Sau dịch COVID-19, những nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em như trầm cảm học đường, bạo lực gia đình, đắm chìm trong không gian mạng internet… tăng dần tới mức báo động đỏ. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ em luôn là trăn trở của toàn xã hội.
Đối diện nhiều nguy cơ
Vấn đề đặt ra lớn nhất đối với trẻ em, học sinh sau COVID-19 là những nguy cơ về tâm lý. Theo ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Sau thời gian COVID-19, tỷ lệ học sinh cần tư vấn tâm lý gia tăng.
Giãn cách xã hội; suy giảm kinh tế, bố mẹ mất việc làm, không có thu nhập; sự gián đoạn đối với các thói quen trước đây, chuyển từ hình thức học tập trực tiếp sang trực tuyến, ngắt quãng mối quan hệ bạn bè, thầy cô… là những yếu tố rủi ro xảy ra trong thời kì COVID-19, từ đó dẫn đến những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của nhiều học sinh".
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 có chủ đề “Chung tay chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em". Ảnh: BA
Nguy cơ tiếp theo mà các em phải chịu là những biểu hiện bạo lực (trực tiếp và gián tiếp) từ gia đình. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dù có thể không bị trực tiếp lạm dụng về thể xác, nhưng việc phải chứng kiến bạo lực gia đình cũng gây ra những chấn thương trong não bộ của trẻ.
Có trẻ phải chứng kiến hành vi bạo lực thân thể hay lạm dụng tình dục; phải nghe những lời lẽ đe dọa, âm thanh của hành động bạo lực; phải nhìn thấy hậu quả của bạo lực là máu, vết bầm tím hay các vật dụng bị đập vỡ, xé vụn; nhận thức được không khí căng thẳng trong gia đình...
Sự ám ảnh đeo đẳng suốt cuộc đời của các em. Đã có nhiều trường hợp các em bị rối nhiễu tâm trí - tổn thương nghiêm trọng sức khỏe tâm thần. Vấn đề tiếp theo mà trẻ em đối mặt là an toàn trên không gian mạng internet.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, thống kê trong thời gian dịch bệnh COVID-19 lên đỉnh điểm, tỉ lệ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực giáo dục tăng cao nhất, chiếm khoảng 61% số cuộc tấn công mạng. Hiện tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng trở thành vấn đề đáng báo động. Ngoài ra, một bộ phận trẻ em mất cha, mẹ sau đại dịch COVID-19 cần sự hỗ trợ từ nhiều phía để các em vững tâm.
Cùng lên tiếng
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện tại, trẻ em sớm được tuyên truyền về kỹ năng tổ chức một môi trường sống an toàn. Các bậc phụ huynh cũng cập nhật các kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Những hệ lụy như phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục cần có kỹ năng và sự chung tay của cả cộng đồng, chính quyền và gia đình. Đó cũng chính là tinh thần trong thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em".
Về phía Bộ GD&ĐT, ông Doãn Hồng Hà cho biết, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục rà soát, nắm bắt các trường hợp học sinh có nguy cơ biểu hiện về sức khỏe tâm thần, có nhu cầu tư vấn tâm lý để có những biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh các biện pháp thực hiện tư vấn tâm lý học đường, tiến tới xây dựng hệ thống phòng tư vấn tâm lý học đường đạt chuẩn.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, các giáo viên được hướng dẫn tổ chức các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo hình thức “chơi mà học, học bằng chơi", phù hợp với độ tuổi của trẻ và điều kiện thực tế; chú trọng dạy trẻ bảo vệ an toàn bản thân, kỹ năng tự phục vụ, vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Phát huy hiệu quả hoạt động các điểm tư vấn, phòng tham vấn học đường; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng về việc chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng...
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh: Giáo viên cần cần kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân; tạo không gian để trò chuyện với học sinh, thông cảm và hiểu nhau.
Nhà trường dành thời gian cho các hoạt động kết nối, các trò chơi để kích hoạt kỹ năng giao tiếp. Giáo viên cần thực sự hiểu kỹ năng lắng nghe chủ động. Giáo viên cần trang bị các kiến thức để nhận diện các dấu hiệu của trầm cảm học đường cũng như dấu hiệu của các khó khăn tâm lý khác của học sinh để kịp thời phối hợp với gia đình có biện pháp hỗ trợ, can thiệp.
Đối với trường học chưa có phòng tư vấn tâm lý, cán bộ phụ trách tư vấn tâm lý thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần quan tâm, chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần của trẻ em, học sinh và phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ.
Nhà trường cần khảo sát, sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý của học sinh; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng để đối phó với những vấn đề tâm lý. Cha mẹ không quá tạo áp lực cho con trong học tập, thi cử cũng như trong các mối quan hệ xã hội.
Cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe con cái nhiều hơn, giúp con cân bằng giữa hoạt động trí não và hoạt động thể thao, giải trí, ngủ đủ giấc. Cha mẹ cần chú ý con để nhận ra và can thiệp kịp thời với các dấu hiệu con stress, lo lắng, mệt mỏi,... Dạy con những thông điệp tích cực để con có thể vượt các khó khăn tâm lý.
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn trao bảo trợ và quà cho trẻ em mồ côi do COVID-19. Ảnh: BA
Mùa hè đã tới, sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đây là quãng thời gian cần tận dụng để góp phần chăm sóc trẻ em bằng những hoạt động ngoại khoá bổ ích.
Theo bà Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Hội đồng Đội Trung ương đẩy mạnh các hoạt động của Nhà thiếu nhi năm 2022. Các phương thức đào tạo bồi dưỡng năng khiếu và phát triển kỹ năng cho trẻ em được linh hoạt hơn; các phương thức đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu cũng đa dạng hơn. Đặc biệt, các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em… được tăng cường.
Mỗi nhà thiếu nhi cấp tỉnh cũng nhận hỗ trợ, giúp đỡ ít nhất 150 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi nhà thiếu nhi cấp huyện hỗ trợ ít nhất 70 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mỗi đơn vị nhà thiếu nhi cấp tỉnh hoặc cấp huyện trao tặng mới hoặc hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa ít nhất 1 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi tại xã, phường, thị trấn với mức đầu tư tối thiểu 10 triệu đồng.
Hội đồng Đội các địa phương cũng thực hiện kết nghĩa giữa các nhà thiếu nhi có điều kiện với các đơn vị khó khăn thông qua việc chuyển giao các mô hình hoạt động, sân chơi cho thiếu nhi, trao tặng tủ sách, tư viện, phòng đọc, bể bơi di động, tài liệu giảng dạy kỹ năng, năng khiếu...
Mở rộng các hoạt động sinh hoạt, vui chơi, giải trí giao lưu văn hoá văn nghệ đến những nơi chưa có Nhà thiếu nhi, Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hoá, văn nghệ miễn phí, miễn giảm hoc phí các lớp năng khiếu, tặng vé xem phim, vé bơi lội, vui chơi dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn...
Đầu tháng 6/2021, lần đầu tiên tại nước ta, một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021- 2025", hướng tới mục tiêu bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Triển khai chương trình này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đã thành lập mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc các Bộ: TT&TT, Công an, GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và nhiều tổ chức liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, Cục An toàn thông tin là cơ quan điều phối.
Nguồn Báo Tin tức
Ý kiến bạn đọc