"Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắcxin có thể trao đổi chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề nhập khẩu để bảo đảm có vắcxin cho người dân..." Bộ trưởng Y tế kêu gọi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện đã đàm phán với các đơn vị như COVAX - cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin phòng Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng hay với hãng AstraZeneca để nhập vắcxin phòng Covid-19 về trong thời gian sớm nhất.
Để có đủ vắcxin cho người dân cần tới 150 triệu liều
Theo thông tin được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh thành để bàn về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, diễn ra sáng 19/2, ước tính trong năm 2021, để có đủ vắcxin cho người dân cần tới 150 triệu liều.
Tuy nhiên, thực tế cam kết của COVAX dành cho Việt Nam vào sáu tháng cuối năm 2021 là 30 triệu liều và thỏa thuận của Bộ Y tế với AstraZeneca là 30 triệu liều thì tổng số trong năm 2021 Việt Nam sẽ có 60 triệu liều.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế tích cực, khẩn trương phối hợp với các tổ chức, với các đơn vị sản xuất vắcxin để đàm phán sớm có vắcxin.
Qua đó, ngành y tế đã triển khai các biện pháp cần thiết để làm thế nào có nguồn vắcxin cho người dân-đây cũng là mục tiêu của Bộ Chính trị đặt ra, ưu tiên để người dân được tiếp cận với vắcxin trong thời gian sớm nhất.
“Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với một số công ty khác trên thế giới, với tinh thần chung thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bộ Chính trị là bảo đảm vắcxin cho người dân," Bộ trưởng Y tế cho hay.
Ưu tiên cho những nơi đang có dịch, đối tượng có nguy cơ cao
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc mua sắm, nhập khẩu và sử dụng vắcxin được tiến hành thực hiện trong điều kiện khẩn cấp, áp dụng mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật, theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất. Bộ Y tế chủ trương ưu tiên vắcxin phòng Covid-19 cho những nơi đang có dịch và những đối tượng có nguy cơ cao để đảm bảo hiệu quả.
Theo đó, cơ chế cấp phép và nhập khẩu vắcxin theo diện khẩn cấp, được tiến hành xét duyệt hồ sơ nhanh. Trong vòng năm ngày, Bộ Y tế phải thực hiện tất cả quy trình hồ sơ, dữ liệu lâm sàng, chất lượng vắcxin để cấp phép sớm, trên tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính theo cơ chế khẩn cấp và có chỉ đạo quyết liệt với việc cấp phép này.
“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắcxin có thể trao đổi chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề nhập khẩu để bảo đảm có vắcxin cho người dân. Chúng ta cố gắng bảo đảm trong năm 2021, người dân Việt Nam được tiếp cận vắcxin đầy đủ để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng," Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngày hôm qua Bộ Y tế đã có tờ trình Bộ Chính trị về vấn đề vắcxin. Quan điểm chung của Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ và Chính phủ chỉ đạo các cơ quan là làm thế nào để bảo đảm có vắcxin sử dụng cho người dân, để mỗi người dân đều được tiếp cận với vắcxin.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt việc mua và sử dụng vắcxin phòng COVID-19 đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, tổ chức sản xuất vắcxin phòng Covid-19 trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2./.
Theo Vietnam+
Ý kiến bạn đọc