Ứng dụng Bluezone không chỉ đơn thuần là truy vết những người nhiễm virus mà sẽ được phát triển thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân.
Năm địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone trên tổng số smartphone cao nhất gồm: Đà Nẵng (trên 40%), Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế (đạt trên 30%). Năm địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone/tổng số smartphone thấp nhất là: Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Trà Vinh (13-16%).
Hai hạn chế của Bluezone được nhiều đại biểu góp ý là giao diện còn chưa chuyên nghiệp và chức năng còn nghèo nàn, chưa có ích nhiều cho người dân.
Trong thời gian tới, mặc dù dịch bệnh đã tạm thời được đẩy lùi, nhưng cho đến lúc có vaccine phòng, chống hoặc thuốc điều trị đặc hiệu, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng cho biết chiến lược phát triển Bluezone theo hướng trở thành ứng dụng trợ giúp thông tin y tế cho từng cá nhân. Người dùng có thể tiếp cận với các thông tin y tế chính thống của Bộ Y tế, liên kết với các ứng dụng khai báo y tế khác, theo dõi sức khỏe cá nhân (đếm bước chân hoặc nhắc uống thuốc), công cụ cho người dân phản ánh với Bộ Y tế.
Đặc biệt, trong thời gian tới, việc tuyên truyền, truyền thông về việc cài đặt sử dụng Bluezone sẽ không làm dàn trải, chung chung mà tập trung vào những địa điểm công cộng như bệnh viện, siêu thị, sân bay, nhà ga, bến tàu và trên các phương tiện công cộng…
MK
Nguồn Báo điện tử Chính phủ
Ý kiến bạn đọc