Xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay

Thứ năm - 27/08/2020 19:00 84 0

​   Xây dựng văn hóa chính trị trong điều kiện Đảng cầm quyền, cụ thể là xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là vấn đề quan trọng vừa có ý nghĩa cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng.

xay-dung-van-hoa-lanh-dao-quan-ly-trong-he-thong-chinh-tri-nuoc-ta-hien-nay HC.jpg

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội. Ảnh: DUY LINH

1. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị nhưng đồng thời là bộ phận trong hệ  thống chính trị. “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị".

Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mỗi đảng viên và tổ chức của Đảng vừa là người lãnh đạo, đồng thời cũng là người quản lý. Cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị là Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Hiện nay, một bộ phận cán bộ chủ chốt đồng thời vừa là đứng đầu Đảng, Đảng, chính quyền hoặc Mặt trận và các đoàn thể chính trị các cấp… Họ vừa là người lãnh đạo, vừa là người đứng đầu chính quyền, tức là người quản lý.
Đại hội XII của Đảng nêu lên hàng đầu vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, “tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị". 

Thời gian qua, ở nước ta, văn hóa lãnh đạo quản lý đã được xây dựng trong hệ thống chính trị. Văn hóa Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, văn hóa nơi công sở từng bước được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ và đồng thuận xã hội, tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới gần 35 năm qua.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ có phần lúng túng, có mặt còn chậm, thiếu đồng bộ, còn nhiều chồng chéo và bất cập,vẫn còn tình trạng “hành chính hóa", “công chức hóa", “viên chức hóa". “Tổ chức bộ máy của Đảng và toàn hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức còn chồng chéo; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức trong hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ".

Việc kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức kết quả còn thấp. Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ có mặt còn hạn chế. Chưa nắm và giải quyết tốt vấn đề chính trị hiện nay, trong khi những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, chưa đủ sức góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ Đảng. 

Công tác dân vận còn nhiều mặt hạn chế. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền các cấp chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Văn hóa lãnh đạo, quản lý là một bộ phận quan trọng của văn hóa, là hệ thống những giá trị, chuẩn mực với những đặc trưng khác nhau của một con người, một tổ chức tạo nên phong cách lãnh đạo, quản lý khoa học, có ảnh hưởng ở phạm vi rộng lớn đến cách thức hành động của mọi người và tổ chức nhằm đạt được đồng thuận thực hiện các mục tiêu đã đặt ra của hệ thống.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền. Chưa thật sự phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đảng viên, cấp uỷ viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục.

Những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý là đòi hỏi khách quan của xu thế thời đại và là đòi hỏi bức thiết của tình hình hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
2. Để góp phần xây dựng văn hóa lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên về việc xác định rõ xây dựng văn hóa lãnh đạo của Đảng cầm quyền là vấn đề cốt lõi của văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay. Khi nói tới văn hóa cầm quyền của Đảng tức là nói đến sự thẩm thấu của văn hóa vào trong hoạt động cầm quyền của Đảng; nói cách khác là văn hóa lãnh đạo, quản lý của đội ngũ đảng viên trong bộ máy nhà nước. 

Hai là, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm", nói không đi đôi với làm.

Ba là, tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi; dân chủ trong Đảng là cơ sở dân chủ ngoài xã hội. Cần thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương.

Bốn là, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện đảng cầm quyền, người cán bộ lãnh đạo, quản lý có văn hoá là không dùng quyền lực, mà bằng thuyết phục, cảm hoá thông qua trí tuệ và cái tâm, cái đức. “không phải cứ viết lên trán chữ “cộng sản" là được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức".  Tăng cường dân chủ là phải tẩy sạch bệnh quan liêu trong hệ thống chính trị. Những hành vi nắm quyền cậy quyền, lợi dụng, lạm dụng, say mê quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị, quan liêu mệnh lệnh là hành vi lãnh đạo, quản lý phản văn hóa, là kẻ thù của văn hóa.

Văn hóa lãnh đạo của Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nằm ở trí tuệ bản lĩnh, phẩm chất của Đảng. Đảng cầm quyền đòi hỏi sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa với chính trị, văn hóa đứng trong chính trị. Đó là sự thấu hiểu dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý; thực hiện dân quyền, dân chủ, dân sinh, nâng cao dân trí vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". 

Năm là, tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Sáu là, nâng cao nhận thức của lãnh đạo, quản lý các cấp về xây dựng văn hóa kiểm tra, giám sát. Tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Bảy là, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cho phù hợp với nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan tâm đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Cần đổi mới phương thức phối hợp hoạt động giữa cơ quan Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trên cơ sở mối quan hệ: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tám là, tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, sự liêm sỉ, tính trung thực của mỗi cán bộ, đảng viên. 

Cần đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ và trong quy hoạch, luân chuyển cán bộ, đồng thời tiến hành xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, theo hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân. 

Xây dựng văn hóa trong công tác cán bộ sẽ góp phần xây dựng thành công đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đủ đức, đủ tài, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cho cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

PGS. TS. Phạm Xuân  Mỹ

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm82
  • Hôm nay6,043
  • Tháng hiện tại145,958
  • Tổng lượt truy cập7,943,866
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây