Chiến thắng 30/4 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Với ý chí kiên cường, bất khuất, quân dân cả nước đã đánh thắng các chiến lược chiến tranh hiện đại nhất của kẻ thù, lập nên chiến thắng hào hùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả dân tộc Việt Nam và Nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý, quý trọng độc lập, tự do trên thế giới.
Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố quyết định thắng lợi quan trọng nhất là sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, giá trị truyền thống dân tộc và kinh nghiệm thực tiễn thế giới vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: "Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta", mà "trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng". Đây là những bài học quý báu về sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng trong những giai đoạn quyết định của cách mạng. Đó là:
Đảng ta đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ, hạ quyết tâm giải phóng trọn vẹn miền Nam.
Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam" ký ngày 27/1/1973 buộc đế quốc Mỹ phải đơn phương rút quân khỏi nước ta. Nhưng với bản chất xâm lược, chúng tiếp tục tăng cường viện trợ cho nguỵ quyền nhằm kéo dài chiến tranh theo kiểu “Việt Nam hoá". Với ý đồ thâm độc, đế quốc Mỹ đã ráo riết thực hiện chủ trương “hiện đại và tinh nhuệ hoá" Nguỵ quân, tăng cường chi viện quân sự khối lượng lớn và xúi giục quân nguỵ vi phạm Hiệp định Paris một cách trắng trợn, gây cho chúng ta rất nhiều khó khăn trong thực thi Hiệp định và bảo toàn vùng giải phóng. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, địa phương do biểu hiện mơ hồ, ảo tưởng, trông chờ “thiện chí" thi hành Hiệp định Paris của phía đối phương, dẫn tới thiếu cảnh giác, để địch mở rộng lấn chiếm nhiều vùng giải phóng. Để khắc phục tình hình, tháng 7/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã kịp thời ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới". Nghị quyết khẳng định con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kỳ trong tình huống nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 (khóa III) chỉ rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối kế hoạch tiến công và chỉ huy linh động để đưa cách mạng miền Nam tiến lên".Quán triệt quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương và các cấp uỷ Đảng ở miền Nam đã nhất quán phương châm: “Con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, tư tưởng chiến lược vẫn là tư tưởng tiến công, tuyệt đối không thể mơ hồ, ảo tưởng. Phương hướng hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải ra sức nhanh chóng tạo thế mới, quyết tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Với nhận thức đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, với ý chí và khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa III đã chỉ ra cho cách mạng miền Nam một hướng đi chính xác, tạo cơ sở lý luận, thực tiễn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ảnh minh hoạ: nguồn Internet
Đảng ta đánh giá, so sánh lực lượng đúng đắn, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời.
Từ ngày 30/9 đến 8/10/1974, Hội nghị Bộ Chính trị khoá III và Quân uỷ Trung ương họp, đã đánh giá bước ngoặt căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch đã hoàn toàn có lợi cho ta. Ta đã thúc đẩy thời cơ chiến lược chín muồi, đã tạo nên yếu tố chiến lược quan trọng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Trên cơ sở đó Hội nghị hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976… nhất trí duyệt kế hoạch chiến lược cơ bản dự thảo lần thứ VII do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị và nhấn mạnh thực hiện kế hoạch cơ bản năm 1975-1976 nhưng phải ra sức chuẩn bị về mọi mặt để khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Trước diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường miền Nam, Hội nghị Bộ Chính trị cuối tháng 12/1974 đã bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược, kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với quyết tâm chiến lược đúng đắn, chính xác, kịp thời, việc tổ chức thực hiện chiến lược của ta ngay từ đầu đã ở thế chủ động, nên có điều kiện đánh địch theo ý ta, làm xuất hiện thời cơ và nhanh chóng chớp thời cơ chiến lược, dấn lên đánh đòn quyết định để giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị đã họp, nhận định thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ thuận lợi như lúc này; do đó, cần nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay. Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương đã có cuộc họp quan trọng thông qua kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn- Gia Định và toàn miền Nam, với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ".
Chiến thắng hào hùng của dân tộc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 bắt đầu từ ngày 4/3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Qua gần hai tháng chiến đấu với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng, thu non sông về một mối, kết thúc 21 năm cuộc kháng chiến thần thánh chống đế quốc Mỹ xâm lược
Vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc 21 năm thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc thắng lợi 30 năm trường kỳ gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 được xem là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng của dân tộc ta, giải phóng xã hội mà đứng đầu là Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo, là một trang sử vô cùng hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước đã kéo dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam ta. Quân dân ta đã đánh thắng một kẻ thù lớn mạnh bậc nhất và hung hãn nhất của loài người tiến bộ, kết thúc một cách oanh liệt trong cuộc chiến đấu hơn 30 năm để giành lại độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc và đặt dấu chấm dứt ách thống trị trong hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta.
Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả từ sự đấu tranh, hy sinh, kiên gan bền bỉ suốt 30 năm của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đó cũng là kết quả từ sức mạnh tổng hợp xuất phát từ khối đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng này cũng xuất phát từ tinh thần khát khao độc lập, tự do, khát khao hòa bình thống nhất Tổ quốc của toàn thể dân tộc Việt Nam. Vì vậy, chiến thắng 30/4 là vô cùng to lớn, vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang tầm thời đại; thể hiện rõ bản lĩnh, ý chí của người Việt Nam, không bao giờ khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược.
Ảnh minh hoạ: nguồn Internet
Chiến thắng 30/4/1975 là một thắng lợi tiêu biểu cho các lực lượng cách mạng trên thế giới này, góp phần thúc đẩy và cổ vũ cho các cuộc đấu tranh của nhân dân trên toàn thế giới vì mục tiêu độc lập cho dân tộc, bảo vệ nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ của xã hội. Bên cạnh đó còn cổ vũ và động viên các dân tộc còn đang trong công cuộc giải phóng dân tộc, chống bọn chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn cầu. Đại thắng mùa xuân năm 1975 này cũng đã chứng minh cho trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc lãnh đạo chiến tranh cách mạng, đồng thời chứng minh tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi, hào hùng nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Đã 47 năm qua đi nhưng Chiến thắng 30/4/1975 là chiến thắng hào hùng của dân tộc, tinh thần của chiến thắng vẫn tỏa sáng, phát huy giá trị trong thời đại ngày nay. Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Đồng thời phát huy tinh thần và hào khí của Đại thắng mùa Xuân 1975 để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống, phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, cường thịnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả của Đảng: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mai Tuấn Kiệt
Trường Chính trị
Ý kiến bạn đọc