Đó là đánh giá của đa số cán bộ, đảng viên trong cuộc điều tra do Viện Dư luận xã hội thực hiện cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua.
Các ý kiến đánh giá cao các nội dung trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị là: Bổ sung, phát triển lý luận phù hợp với tình hình thực tiễn (77%); Sử dụng kết quả nghiên cứu lý luận chính trị cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện, tổ chức thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (76%); Coi trọng tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm, thông qua khoa học trong nghiên cứu lý luận chính trị (74%); Phát huy trí tuệ của các nhà khoa học tại các hội thảo, diễn đàn; coi trọng các ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học trong nghiên cứu lý luận chính trị (72%).
Kết quả điều tra cũng cho thấy, đa số ý kiến ghi nhận: ở cơ quan nơi họ công tác, thời gian qua, không có các biểu hiện: nhân danh tổ chức hoặc cá nhân để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác tại các cuộc thảo luận, tranh luận khoa học (69%); Trù dập, kỳ thị đối với những người phát biểu tại các diễn đàn khoa học với mục đích xây dựng nhưng có ý kiến khác với đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện hành.
Trong nhóm cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, quản lý đang công tác tại các cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn trong hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước, có sự thống nhất cao trong việc đưa ra các giải pháp để giải quyết những vấn đề đặt ra trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, cụ thể là: Đối với những vấn đề có nhiều tranh luận hoặc có ý kiến khác nhau, nên tạo các diễn đàn khoa học, lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, đánh giá và tham mưu để cấp có thẩm quyền xem xét, định hướng. Trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, đối với những vấn đề mới có nhiều tranh luận hoặc có ý kiến khác nhau, nên tăng cường vai trò định hướng tư tưởng chính trị của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước. Cấp ủy giao cho Ban Tuyên giáo cùng cấp là cơ quan chủ trì, theo dõi, báo cáo kết quả về việc thực hiện Quy định về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước. Cần thiết phải mở rộng đối tượng áp dụng quy định về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Cuộc điều tra này được Viện Dư luận xã hội chọn mẫu theo cách lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng, phục vụ sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong cơ quan Đảng, Nhà nước. Đối tượng điều tra là cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học, quản lý đang công tác cơ quan, đơn vị có chức năng nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn trong hệ thống cơ quan Đảng, Nhà nước.
Địa bàn triển khai thu thập thông tin gồm: Một số cơ quan Đảng, Nhà nước ở Trung ương, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ.
Tổng số mẫu điều tra là 2.000 người.
Bảo Châu
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Ý kiến bạn đọc