Tây Ninh nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 17/02/2025 21:49 39 0
Tính đến cuối năm 2024, Tây Ninh có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới (viết tắt NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 68/71 xã, chiếm 95,7%, đạt 100% so với kế hoạch năm 2024, gồm các xã: Tân Hiệp (huyện Tân Châu), Phước Minh (huyện Dương Minh Châu), Long Vĩnh (huyện Châu Thành). 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Tân Bình, thành Phố Tây Ninh), nâng tổng số xã đạt NTM nâng cao là 26/71 xã, tỷ lệ 36,6%, vượt 1,4% so với kế hoạch năm 2024. 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh), nâng tổng số xã đạt NTM kiểu mẫu là 04/71 xã, chiếm 5,6%, đạt 100% so với kế hoạch năm 2024. Thị xã Hòa Thành đã được Thủ tướng chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dưng NTM tại Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 08/3/2022. Huyện Bến Cầu, thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Trong năm 2024, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. HĐND tỉnh ban hành 05 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 08 quyết định, 02 kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, điều hành về Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình OCOP để làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Trung ương.

Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đúng định hướng, có sự chuyển biến tích cực từ tỉnh đến cơ sở và trong Nhân dân. Người dân từng bước nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích của Chương trình và vai trò chủ thể của mình. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông ngày càng phát huy có hiệu quả trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân về xây dựng NTM. Hệ thống thông tin tuyên truyền về NTM hoạt động phong phú, liên tục đã kịp thời phổ biến những mô hình hay, điển hình tốt, gương người tốt, việc tốt về xây dựng NTM. Nhiều người dân và doanh nghiệp sau khi được tuyên truyền, vận động đã tình nguyện hiến trên 1.500m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, đóng góp 14.000 ngày công lao động và trên 5,4 tỷ đồng để mua đất, đá tu sửa, nâng cấp trên 50 km đường giao thông nông thôn, làm các công trình thủy lợi, di chuyển chuồng trại, vệ sinh đường làng ngõ xóm, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, tham gia đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng NTM của cấp huyện.

UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành nguồn lực chủ đạo cho xã về đích xây dựng NTM, đây là yếu tố thuận lợi cho tiến độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Tân Bình đón nhận Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao

Một số kết quả nổi bật

Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, kết nối liên xã, liên huyện tiếp tục được hoàn thiện và nâng cao. Tổng số km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư: 4.772,91 km, trong đó: 803,816 km đường trục xã; 868,87 km đường trục ấp; 1.322,037 km đường ngõ, xóm; 1.778,189 km đường nội đồng. Hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan được quan tâm cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tiếp tục được xây dựng, hoàn chỉnh, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, huyện, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Xây dựng, hoàn thiện các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo chất lượng đạt chuẩn theo quy định. Năm 2024, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt cả năm đạt 70% (đạt 100% so kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ). Chất lượng môi trường ngày càng nâng cao, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, góp phần giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam. Chuyển đổi số trong NTM được tăng cường nhằm từng bước xây dựng NTM thông minh. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các tổ chức, người nông dân thực hiện cho hiệu quả cao. Ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất, xây dựng đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu và triển khai thực hiện đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh.

Những hạn chế, tồn tại cần khắc phục

Tiến độ hoàn thành các tiêu chí còn chậm, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng chưa thực sự được quan tâm, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp; nhiều xã chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng khu dân cư mới; thị trường tiêu thụ nông sản thiếu bền vững, chưa đủ đáp ứng sức sản xuất lớn và đang gia tăng của nền nông nghiệp hàng hóa.

Kế hoạch năm 2025

Duy trì 68/71 xã đã đạt chuẩn NTM; 26/71 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và 04/71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010-2021 sẽ tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Tiêu chí Quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu có 03 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM là 71/71, tỷ lệ 100%.

Giải pháp chủ yếu

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng NTM.

Các địa phương, căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021-2025 chủ động lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch năm 2025; chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, hiện đại, gắn với nhiệm vụ xây dựng NTM và đô thị hóa; định hướng các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn đầu tư hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, góp phần chuyển đổi số trong nông nghiệp; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng trên địa bàn nông thôn.

Tăng cường và đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình; chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn theo quy định cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính của Trung ương về Chương trình MTQG xây dựng NTM; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức hợp tác công tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao, dịch vụ y tế. Tiếp tục triển khai 6 Chương trình chuyên đề trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng NTM; tiếp tục phát huy vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM.

Thanh Thanh

Tác giả: tttthao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay111,215
  • Tháng hiện tại1,403,012
  • Tổng lượt truy cập9,751,642
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây