Ngày 20/8/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 234-KH/TU thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Kế hoạch nhằm cao nhận thức, trách nhiệm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công tác phát triển nhà ở xã hội; triển khai thực hiện hiệu quả, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu, phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các cơ chế chính sách theo quy định pháp luật để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội; triển khai thực hiện hoàn thành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tiễn của địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 05 nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và cộng đồng xã hội về tính chất, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể hoá chủ trương của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, đề án, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh đến năm 2030 và Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở tại khu vực nông thôn; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
- Thực hiện quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội tại các vị trí thuận tiện về giao thông gắn với các trung tâm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu.
Ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội; có cơ chế ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh
Phát triển đa dạng hình thức mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê; chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương; kết hợp linh hoạt giữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân.
Nhà ở xã hội và nhà ở được Nhà nước hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu, nhà lưu trú công nhân bảo đảm về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, an ninh, an toàn, phòng cháy, chữa cháy, đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu (y tế, giáo dục, văn hóa...).
- Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về công tác phát triển nhà ở xã hội.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ phạm vi quản lý nhà nước giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương, giữa trách nhiệm tập thể với trách nhiệm cá nhân; thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý.
Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích tạo thuận lợi và chủ động trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án; phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải cacbon thấp.
Chính sách hỗ trợ ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; rà soát, nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công và các đối tượng chính sách tại các chương trình mục tiêu phù hợp thực tế. Thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong xác định giá nhà ở xã hội.
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội
Ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; nghiên cứu, phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp bất động sản trong nước. Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính để phát triển nhà ở xã hội phù hợp theo quy định và tình hình thực tế của địa phương.
Một dự án chung cư nhà ở xã hội ở Tây Ninh (nguồn: Báo Tiền phong Online)
Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho cá nhân và doanh nghiệp vay ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội phù hợp theo quy định, thẩm quyền được giao; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội.
- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phát triển nhà ở xã hội, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đúng mục đích.
Quản lý, giám sát chặt chẽ việc đầu tư, xây dựng, bán, cho thuê, sử dụng căn hộ trong các dự án nhà ở xã hội; ngăn ngừa, kịp thời xử lý nghiêm những sai phạm, trục lợi chính sách. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội.
Thanh Thanh
Tác giả: tttthao
Ý kiến bạn đọc