Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực văn hóa, xem đây là mũi đột phá nhằm gây chia rẽ, làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta nhằm tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải nhận thức rõ thủ đoạn thâm độc này để có biện pháp phòng, chống hiệu quả trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Trong đề cương văn hóa Việt Nam tháng 2 năm 1943 - Cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng đã xác định: "Văn hóa là một trong ba mặt trận: kinh tế, chính trị, văn hóa"[1]. Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VIII) tháng 7 năm 1998, Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã khẳng định vai trò của văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc và tương lai đất nước: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội" [2]. Ngày nay, cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta đã xác định đường lối xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là sự tổng kết thực tiễn xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng.
Cùng với việc lợi dụng các vấn đề về dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề về văn hoá, tư tưởng để chống phá Đảng và Nhà nước ta, chúng coi đây là mũi đột phá để tấn công làm suy giảm niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, phá hoại nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và mục tiêu cuối cùng là xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là một cuộc chiến không khói súng của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.
1. Nội dung và phương thức chống phá trên lĩnh vực văn hoá của các thế lực thù địch thể hiện:
Các thế lực thù địch tập trung chủ yếu phá hoại truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá cách mạng, các chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa bằng cách, chúng lợi dụng chính sách mở cửa, giao lưu văn hoá, sự quản lý lỏng lẻo, sơ hở của cơ quan chức năng để truyền bá văn hoá phương Tây, lối sống thực dụng, tuyên truyền, lưu hành văn hoá phẩm đồi truỵ làm xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc, kích động tâm lý, tác động vào đạo đức, lối sống của người dân, nhất là của lớp trẻ thanh, thiêu niên gây tâm lý bất mãn, phủ nhận những giá trị truyền thống, phủ định thành quả cách mạng của Đảng ta. Nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại để phá hoại nền văn hoá dân tộc của đất nước ta dẫn đến đạo đức, lối sống ngày càng bị biến đổi như tệ sùng bái nước ngoài, coi thường giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống cá nhân, vị kỷ, ham tiền, ham danh lợi, quyền lực, tệ tham nhũng, lãng phí, nạn quan liêu, cửa quyền, hách dịch khá phổ biến làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đó có cả cán bộ giữ vị trí, chức vụ cao làm ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng của đất nước. Đây là thứ “giặc nội xâm" – nguy cơ cao đe doạ sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Theo thống kê của Bộ Công an, hiện ở nước ngoài có 52 đài phát thanh truyền hình có chương trình Việt ngữ, 429 báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta. Hằng năm, có hơn 3000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại văn hóa, tư tưởng, 28000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, phát tán qua đường bưu điện, khoảng 11000 ấn phẩm được đưa vào nhiều con đường khác nhau.[3]
Ảnh minh hoạ (sưu tầm trên internet)
Trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng là một mũi dùi để các thế lực thù địch lợi dụng để phá hoại nền văn hoá của dân tộc ta. Chúng lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc một số văn nghệ sỹ, trí thức, biên tập viên làm “tay sai" để viết các tác phẩm không có lợi cho cách mạng, nói xấu, bôi nhọ các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc. Tình trạng các ấn phẩm, thông tin độc hại xâm nhập vào xã hội, gia đình ngày càng nhiều, gây hậu quả xấu đến đạo đức, lối sống, gây ảnh hưởng phức tạp đến đời sống tinh thần của Nhân dân. Gần đây, đời sống văn học nghệ thuật cũng phải đối mặt với những hiện tượng mới nảy sinh như trường hợp một số văn nghệ sỹ, trí thức có uy tín, đảm nhiệm những chức vụ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý văn học muốn thành lập “văn đoàn độc lập". Đây là tổ chức trên danh nghĩa chấn hưng nền văn học để thực hiện những mưu đồ chính trị đen tối để chống phá Đảng, chế độ ta. Một số đối tượng nhân danh nhà báo, nhà văn có những quan điểm sai trái, lệch lạc cũng có những ấn phẩm tiếp tay cho các thế lực thù địch, có thể kể đến: Bùi Tín với “Mặt Thật" (hồi ký, 1994), Lê Hữu Mục với “Hồ Chí Minh không phải là tác giả “Ngục trung nhật ký" (nghiên cứu, 1990), Dương Thu Hương với “Đỉnh cao chói lọi" (tiểu thuyết, 2009, truyện ngắn “Sang sông" của Nguyễn Huy Thiệp, hay truyện “Bóng đè" của Đỗ Hoàng Diệu, đối tượng Phạm Đoan Trang với cuốn sách như: “Chính trị bình dân" (2016), Cuốn Hồi ký “Những mảnh đời sau song sắt" do đối tượng Phạm Thanh Nghiên được in song ngữ do Đài “Đáp lời Sông Núi", “Tủ sách Tiếng quê hương" và “Thư viện Việt Nam" tổ chức in ấn và phát hành…
Đồng thời, các thế lực thù địch tuyên truyền “dân chủ trong văn hoá" để từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa là tự do sáng tạo, không cần tính định hướng và xa rời chính trị; từ lĩnh vực văn hóa chuyển hóa dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ảnh minh hoạ (sưu tầm trên internet)
2. Một số giải pháp để đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng văn hoá Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hoá là vấn đề có tính nguyên tắc, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Dó đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hoá vừa đảm bảo đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa đảm bảo quyền tự do, dân chủ, phát huy tiềm năng, sức mạnh của toàn dân tộc để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hoá"[4]. Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế để huy động các nguồn lực, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng, tinh thần đoàn kết dân tộc, đầu tư thích đáng cho lĩnh vực văn hoá.
Hai là, nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển những giá trị xã hội chủ nghĩa. Đường lối phát triển văn hoá là hình ảnh phản chiếu bản chất của chế độ, có mục tiêu cụ thể, góp phần phát triển lĩnh vực khác, tạo thành một hệ thống chính sách để ổn định và phát triển xã hội.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi lực lượng về yêu cầu xây dựng nèn văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chú trọng nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp, linh hoạt với mỗi đối tượng để đạt hiệu quả cao nhất.
Ba là, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng và phát triển văn hoá.
Chính sách văn hoá phải phù hợp với nền kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “ gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá."[5]. Dó đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm để giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, phát triển văn hoá.
Bốn là, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn mình.
Con người là chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn hoá, đồng thời là sản phẩm của môi trường văn hoá. Ngày nay, trước sự tác động đa chiều của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập, văn hoá phải trở thành nhân tố thúc đẩy con người vươn lên để tự hoàn thiện mình. Văn hoá phải tham gia tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực, tạo ra nhân tài cho đất nước. Đảng xây dựng và phát triển nền văn hoá dân tộc đều nhằm tới mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Cần đẩy mạnh các phong trào “người tốt việc tốt", “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá". Thường xuyên biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình tiên tiến. Đồng thời cần phải đề ra những chủ trương, giải pháp để xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới và có những giải pháp nhằm ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Năm là, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào có thể phát triển trong sự thu mình, tách biệt với các quốc gia trên thế giới. Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hoá, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn vè giao lưu văn hoá quốc tế." [6]. Bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu văn hoá nhân loại là hai mặt của một quá trình, luôn có sự kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong xây dựng, phát triển văn hoá phải lấy bản sắc văn hoá dân tộc làm nền tảng. Nền tảng có vững thì mới tiếp thu được tinh hoa văn hoá nhân loại. Bởi vậy để làm phong phú thêm cho nền văn hoá dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải luôn có bản lĩnh vững vàng, chiến lược phát triển văn hoá đúng đắn, nếu không sẽ dẫn tới nguy cơ sùng ngoại, đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc.
Sáu là, tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.
Cần phải đấu tranh, tấn công trực diện vào các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử phản động trên lĩnh vực văn hoá để làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình" của chúng. Từ cấp Trung ương đến cấp địa phương cần có kế hoạch ngăn chặn ý đồ của các thế lực thù địch, phản động trong việc tác động làm chuyển hoá tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền văn hoá dân tộc.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc chính là cơ sở vững chắc để tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế hiện nay. Để xây dựng một nền văn hoá với những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn được bản sắc riêng, phát huy những giá trị truyền thống theo hướng hiện đại, tiếp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại trước sự tác động, chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử phản động thì Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái nhằm phá hoại nền văn hoá dân tộc làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình" của chúng./.
Nguyễn Thị Hoàn
Giảng viên Trường Chính trị Tây Ninh
Trích dẫn:
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.316
[2]. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 55.
[3]. Vũ Thành Nam: Cảnh giác với thủ đoạn móc nối, lôi kéo văn nghệ sĩ của các thế lực thù địch nhằm chống Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, Tạp chí Khoa học An ninh, tháng 8/2021.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc giâ Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 146.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc giâ Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, trang 134.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc giâ Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, trang 147.
Ý kiến bạn đọc