Nguyễn Du - một lần đi sứ và những vần thơ giàu giá trị nhân bản

Thứ hai - 28/09/2020 16:00 841 0

​   Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều, cả ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du cho thấy những “cung bậc" sáng tác phù hợp với các chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Đặc biệt với tập thơ sứ trình Bắc hành tạp lục, xuyên suốt nội dung tập thơ chữ Hán này là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người.

tuong-dai-ND.jpg

Tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Nguyễn Du (1765 - 16/9/1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh), sinh ra tại kinh thành Thăng Long. Trong cuộc đời mình, ông đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc ngoại giao dưới triều Nguyễn qua một lần đi sứ và qua chính những vần thơ bang giao, thơ đề vịnh lịch sử và phản ánh đời sống xã hội, con người, phong cảnh đất nước Trung Quốc dưới triều nhà Thanh vào những năm đầu thế kỷ XIX. Điều đặc biệt hơn, với những vần thơ chữ Hán trong tập Bắc hành tạp lục và kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để lại cả một gia tài văn học phong phú, tiêu biểu cho mối quan hệ, giao lưu văn hóa Việt - Trung, thể hiện sự thông hiểu và những giá trị nhân văn cao cả.

Nguyễn Du sinh ra trong một dòng tộc quan cao lộc hậu, nhiều người đỗ đạt, giữ trọng trách trong triều đình và nổi tiếng thơ văn như Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, Nguyễn Trụ, Nguyễn Trừ, Nguyễn Đề, Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành... Đặc biệt trong số này có người anh ruột cùng một mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Đề (còn gọi Nguyễn Nễ, 1761-1805) từng làm quan dưới triều Hậu Lê, sau cộng tác với nhà Tây Sơn và đã hai lần đi sứ nhà Thanh, lần đầu sung chức Phó sứ tuế cống vào năm 1790, lần sau làm Hành khánh sứ sang dự lễ vua Thanh nhường ngôi cho con năm 1795. Với tài văn chương, Nguyễn Đề từng hoạ thơ, từng được vua Càn Long và vua Gia Khánh thân hành mời rượu. Sau này đến lượt mình đi sứ, hơn một lần Nguyễn Du nhắc nhớ tới người anh, tưởng tượng như đang theo lối người anh đã đi từ hai mươi năm trước.

Sinh ra và lớn lên giữa “một thời giông gió" cuối thế kỷ XVIII, Nguyễn Du sớm nghiệm sinh những tủi buồn riêng tư, sớm trải qua mất mát và chứng kiến biết bao cuộc ly loạn, tan vỡ, đổi thay. Ngay chính gia đình ông cũng là cả một tấn bi kịch với những chia cách, đối lập, vừa hoài niệm quá khứ vàng son chưa xa vừa bị hiện thực dồn đẩy về phía trước với một niềm hy vọng mong manh. Bản thân ông cũng bị xô đẩy, vừa mới được giữ một chức quan nhỏ dưới thời Lê mạt thì cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nổi lên và buộc phải làm cánh bèo trôi dạt, khi ở xứ vợ Thái Bình, khi về miền quê Nghệ Tĩnh. Đến ngày ra làm quan với “tân chúa" nhà Nguyễn và được trọng dụng thì tuổi đã sang chiều, hơn nữa lại ở bên chúa "lạ", nơi dẫu sao mình cũng chỉ dự một vai phụ, bên lề. Dường như ông luôn bị phân thân, xa gần thấy triều đại nào mình cũng chịu ân sủng và cũng thấy những điều bất cập, trái chiều. Dù vậy, cho tận đến lúc trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn an nhiên coi một đời thế là "được" thay cho lời nhắn gửi, trối trăng.

Cả cuộc đời Nguyễn Du là những quan sát, nghĩ suy, chiêm nghiệm không ngừng nghỉ để rồi chắt lọc, lắng đọng lại thành những trang thơ còn mãi với thời gian. Đi ngang qua hai thế kỷ, thơ Nguyễn Du là đỉnh cao của tiếng nói nhân văn, đồng hành với thăng trầm lịch sử và đời sống tinh thần dân tộc.

Thơ ông mở rộng diện đề tài từ những cảm nhận về đời sống thôn quê đến nơi đô hội thị thành, từ dòng sông bến bãi thân quen của quê hương tới những miền đất xa lạ trên đường đi sứ, từ một câu chuyện đói no thoáng gặp bên đường đến bài học nhục vinh ngàn năm xưa cũ, từ nỗi đơn côi cá nhân tới vui buồn mọi kiếp chúng sinh, từ nỗi hoài niệm một thuở ấu thơ tới ngày mái tóc pha sương, từ đêm tàn lẻ bóng mà mơ hồ nghĩ đến một mai xuôi về bến bãi hư vô, tự gián cách đặt mình vào cõi hư vô mà soi nhìn lại kiếp sống con người... Trên hết cả, phải có một tâm hồn nghệ sĩ, một năng lực sáng tạo phi thường và "con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời" thì Nguyễn Du mới có được kiệt tác Truyện Kiều và những vần thơ chữ Hán chất nặng suy tư.

Với Nguyễn Du, con đường quan chức dường như không phải là nơi ông gửi gắm chí hướng, lý tưởng. Theo gia phả, sau nhiều năm bất hợp tác với nhà Tây Sơn, phải đến tháng Sáu năm Nhâm Tuất (1802), khi Gia Long kéo quân tới Nghệ An thì ông ra đón và cùng theo ra Bắc. Thế nhưng theo Đại Nam chính biên liệt truyện thì đến khi Gia Long có lệnh gọi, ông “không thể từ chối, bất đắc dĩ phải ra". Tháng Tám năm ấy, ông được bổ chức Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu (nay thuộc Hưng Yên), mấy tháng sau thăng Tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Tây). Năm Quý Hợi (1803) được cử lên ải Nam Quan tiếp sứ Thanh sang phong sắc vua cho Gia Long. Năm Ất Sửu vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân, được thăng Đông các đại học sĩ (hàm Ngũ phẩm), tước Du Đức hầu. Năm Đinh Mão (1807) được cử làm giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương. Năm Kỷ Tị (1809) được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình. Năm Nhâm Thân (1812), xin về quê nghỉ hai tháng và xây mộ anh Nguyễn Đề. Năm Quý Dậu (1813) thăng Cần chánh Điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm Giáp Tuất (1814) trở về được thăng Hữu Tham tri Bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Đến năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi, ông lại được cử làm Chánh sứ sang báo tang và cầu phong nhưng bị bệnh dịch và qua đời, thọ 54 tuổi.

Nói riêng về chuyến Nguyễn Du đi sứ, Gia phả chép: “Tháng Hai năm Quý Dậu (1813), ông được thăng Cần chánh Điện học sĩ, rồi có chỉ sai làm Chánh sứ tuế cống, cùng với các ông Phó sứ là Đàm ân hầu, Thiêm sự Bộ Lại; và Phong Đặc hầu, Thiêm sự Bộ Lễ, đi sứ Trung Quốc. Tháng Tư năm Giáp Tuất (1814) trở về kinh"...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn, hiện ở Trung Quốc còn lưu giữ được bộ hồ sơ chí ít gồm 21 văn bản, trong đó có một tư văn của vua nhà Nguyễn gửi Tuần phủ Quảng Tây hỏi ngày giờ sứ bộ Việt Nam qua cửa Nam Quan; hai tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ; 18 bản mật tấu của Tuần phủ và Tổng đốc các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ gửi lên vua Thanh tâu trình về tình hình đi đường và việc đón tiếp, hộ tống sứ bộ Nguyễn Du trong cả hai lần đi và về. Trong số các tài liệu trên đặc biệt thú vị có tờ bẩm thứ hai của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua Gia Long, nói về “lịch trình" và những sự kiện diễn ra trong quá trình đi sứ. Trên cơ sở các văn bản có được, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn đã tóm tắt và nêu nhận xét: 

1) Về sứ trình: Nguyễn Du đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quý Dậu (tức ngày 6/5/1813) và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (tức ngày 18/5/1814). Như vậy tổng số thời gian Nguyễn Du ở trên đất Trung Quốc vào khoảng gần 12 tháng rưỡi.

Nguyễn Du đến Bắc Kinh ngày mồng 4 tháng 10 năm Quý Dậu (tức ngày 27/10/1813) và rời Bắc Kinh ngày 24 tháng 10 năm Quý Dậu (tức ngày 16/11/1813). Như vậy Nguyễn Du lưu lại ở Bắc Kinh 20 ngày... 
Những tư liệu trên đây là căn cứ để sắp xếp các bài thơ và nghiên cứu tập Bắc hành tạp lục một cách dễ dàng hơn, đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm một số chi tiết về con người và cuộc đời Nguyễn Du.

2) Dẫn giải về chuyến đi này, nhà nghiên cứu Trương Chính viết: “Lúc đi, sứ bộ theo hành trình các sứ giả Việt Nam từ đời Lê trở về sau, nghĩa là xuất phát từ trấn Nam Quan, khi ngồi thuyền, khi ngồi kiệu đến Yên Kinh (Bắc Kinh), qua các tỉnh Quảng Tây, Hồ Nam, Hà Nam, Sơn Tây, Hồ Bắc. Lúc về, con đường ấy bị nghẽn. Dân nghèo nổi dậy chống triều đình Mãn Thanh, cướp của nhà giàu, giết bọn quan lại. Tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc náo động, các tỉnh khác hưởng ứng theo. Sứ bộ phải vòng sang phía đông, qua các tỉnh Sơn Tây, Giang Tô, An Huy, đến Võ Xương mới theo đường cũ về trấn Nam Quan..."(1); còn Thái Văn Kiểm thì xác định: “Nguyễn Du cũng có mang về nhiều bộ đồ sứ do nhà vua sai đặt làm ở Giang Tây để dùng cho nội phủ nhà Nguyễn và đặc biệt nhất là những bộ chén trà mai hạc có ghi bút tích bằng chữ Nôm của Nguyễn Du, trong hai câu thơ lục bát viết đúng như liễn đối, thành ba dòng 6-2-6: Nghêu ngao vui thú yên hà / Mai là / Bạn cũ hạc là người quen.

Thế là cụ Nguyễn Du đã hoàn thành sứ mạng của mình trong một chuyến đi lịch sử, đã đem lại thành quả tốt đẹp về mặt ngoại giao cũng như đã hiến cho cụ một cơ hội hiếm hoi để trao đổi văn hoá với một quốc gia bạn (…) đồng thời tạo cơ duyên tốt lành để sáng tác một thi phẩm trường thiên, siêu việt, đáng liệt vào hàng đầu trong kho tàng thi ca nhân loại"(2)...

Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ với vai trò Chánh sứ, Nguyễn Du còn để lại tập thơ sứ trình độc đáo. Tính cho đến nay các nhà nghiên cứu đã sưu tầm, biên soạn, phiên âm, dịch chú đầy đủ cả ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục). Trên thực tế, mỗi tập thơ được viết trong một khoảng thời gian nhất định và nội dung theo sát từng chặng đường đời tác giả. Riêng với tập thơ thứ ba Bắc hành tạp lục, bên cạnh một số bài thơ viết về Thăng Long thì tất thảy đều viết về chuyến đi sứ Trung Quốc kéo dài qua suốt một năm trời. Tập thơ với số lượng 110 đề mục và 120 bài, đề tài đa dạng, tình cảm phong phú, có ý nghĩa kết tinh các giá trị nội dung và nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Trước khi đi sứ phương Bắc, Nguyễn Du có dịp trở lại Thăng Long. Sau bao nhiêu năm xa cách, nhất là trước ngày chuẩn bị cho một chuyến đi xa nước xa nhà, Nguyễn Du xúc cảm về một kinh đô dâu bể, bâng khuâng với thành quách đổi thay, xót thương từ một kiếp ca nhi, một nàng hầu và biết bao người xưa cảnh cũ đã phai bạc dần theo năm tháng. Có thể nói, Nguyễn Du đã viết những vần thơ cảm khái về Thăng Long đạt đến độ tuyệt bút, biểu cảm được tấm lòng thi nhân thao thức trong một đêm trăng, trước vô hạn những buồn thương bởi sự chuyển hoá, đổi thay của con người và đất trời:

“Lô Tản đời đời vẫn núi sông,
Bạc đầu được thấy lại Thăng Long.
Nghìn năm dinh lớn thành đường cái,
Một dải thành xây lấp cố cung.
(...)
Chạnh lòng trằn trọc đêm không ngủ,
Tiếng sáo vi vu bóng nguyệt lồng".
(Thăng Long, Bài 1. Bản dịch của Trần Thanh Mại)(3)

Trong bài thơ dài Long thành cầm giả ca (Bài ca người gảy đàn ở Long Thành) đã khắc họa sâu sắc những đổi thay của cả một thời và cả một đời người, bày tỏ mối tương liên đồng cảm thương người và se sắt nỗi thương thân:

“... Thành quách đổi dời, việc người cũng khác,
Bao nơi nương dâu trở thành biển cả.
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết,
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa.
Trăm năm thấm thoát có là bao,
Cảm thương việc cũ, nước mắt thấm áo…"

Những bài thơ Nguyễn Du viết trên đường đi sứ được chia thành hai loại: phản ánh đời sống hiện tại, những điều tai nghe mắt thấy và loại đề vịnh lịch sử. Trong tư cách một vị Chánh sứ, Nguyễn Du thường nói đến nỗi nhớ nhà, tình cảnh nơi đất khách quê người, những cảnh trí lạ lùng lần đầu được gặp. Ông luôn nhạy cảm quan sát, phản ánh cuộc sống những người dân lao động bình thường như ông cháu người hát rong ở Thái Bình, người kéo xe ở Hồ Nam, thôn xóm bên trạm Tây Hà, thảm trạng những người đói rét và đặc biệt việc binh đao làm nghẽn đường:

“Đồng loong coong, sắt lanh canh,
Gà kêu, chó sủa, ngựa xe dồn lao nhanh.
Nhà giàu cửa đóng, nghèo không đóng,
Dìu già, ẵm trẻ, chạy vào thành..."
(Việc binh đao làm nghẽn đường. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc)
Khi khác là hình ảnh người mẹ với ba đứa con chết đói chết rét đối lập với bữa tiệc phung phí của quan lại: 
“Không biết trên đường quan,
Mẹ con ngồi đói rũ!
Ai vẽ giùm bức tranh,
Dâng thánh hoàng xem thử".
(Những điều trông thấy. Bản dịch của Ngô Linh Ngọc)

Trong mảng thơ đề vịnh lịch sử, Nguyễn Du thường bày tỏ rõ tinh thần dân tộc và thái độ phản đối, mỉa mai viên tướng Mã Viện đời nhà Hán: "Cột đồng trụ chỉ có thể lừa đàn bà đất Việt / Xe ngọc châu rốt cuộc làm luỵ con cái trong nhà / Họ tên chỉ đáng được ghi ở gác Vân Đài / Sao còn ngoảnh mặt về nước Nam sách nhiễu việc cúng tế?" (Miếu thờ Mã Phục Ba ở Giáp Thành). Nhìn chung Nguyễn Du am tường nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử Trung Quốc, đặc biệt những nơi còn để lại dấu tích mà ông gặp trên đường. Ông hết lời ca ngợi những danh nhân văn hoá, các bậc trung thần nghĩa sĩ như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Văn Thiên Tường, Hàn Tín và cũng phê phán, khinh bỉ những kẻ xâm lược, gian hùng như Mã Viện, Minh Thành Tổ, Tô Tần, Tần Cối... Trong tương quan chung, Nguyễn Du ngợi ca những bậc trung thần nghĩa sĩ, ví như bày tỏ thái độ kính trọng Khuất Nguyên:

“Chẳng qua đất Hồ Nam,
Sao biết sông Tương sâu?
Không đọc phú Hoài sa,
Sao biết Khuất Nguyên đau?
Lòng Khuất Nguyên, nước sông Tương,
Ngàn năm vạn năm vẫn trong thấy đáy…".
(Bác Giả Nghị. Bản dịch của Mai Quốc Liên)

Trên hết cả, Nguyễn Du không chỉ nêu bài học giáo huấn, tấm gương đạo lý mà nhấn mạnh hơn về những khía cạnh nhân văn, những nỗi niềm thế sự, những buồn vui, còn mất trong một đời người và cũng là chung cho mọi kiếp chúng sinh. Chính vì thế mà ông phê phán quyết liệt hiện thực ngang trái và đồng cảm với Khuất Nguyên:

 “Hãy sớm thu tinh thần về thái cực,
Chớ về đây nữa người mỉa mai.
Hậu thế đều là bọn Thượng quan,
Mặt đất đâu cũng dòng Mịch La.
Cá rồng không nuốt, hùm sói nuốt,
Hồn ơi, hồn ơi, biết sao mà?"
 (Chống“Chiêu hồn". Bản dịch của Khương Hữu Dụng - Xuân Diệu)

 Nguyễn Du triệt để khai thác, liên tưởng, nhấn mạnh và đi đến nâng cấp, đúc kết những khía cạnh có tính muôn thuở của con người. Ông luôn đặt mỗi sự kiện, hiện tượng và nhân cách trong tương quan với bản chất sự sống, với cái vô cùng vô tận của thời gian và không gian. Chính vì thế mà ông luôn trở đi trở lại các mô-típ nấm mồ, đứng trước mồ, bóng chiều, bóng đêm, gió tây, trời tây; luôn ngoái nhìn lại quá khứ với những tuổi xuân, tuổi trẻ, cảnh xưa người cũ đã một đi không trở lại; luôn luôn đặt mình vào một “ngày mai", khi mình đã nhắm mắt xuôi tay, đã đi qua cõi đời, đã cập bến hư vô mà gián cách chiêm nghiệm lại những tháng năm quá khứ. Qua các hình tượng nhân vật lịch sử Trung Quốc, một mặt ông bày tỏ rõ thái độ trước những thiện - ác, đúng - sai nhưng cũng đi tới chiết trung, coi mọi sự sang giàu, chức quyền, buồn vui cũng chỉ là hư ảo:

“Đâu là chỗ xưa kia Tôn Quyền, Lưu Bị tranh giành nhau? / Trông chỉ thấy cỏ cây một màu xanh biếc". (Trông vời đất Sở. Bản dịch)

“Dấu cũ bá vương đã thuộc về dĩ vãng xa xôi / Dòng sông Hán vẫn cuồn cuộn chảy đêm ngày". (Ngắm cảnh chiều ở đất Hán Dương. Bản dịch)

“Chuyện xảy ra, dằng dặc đã hai nghìn năm / Nay chỉ thấy bên thành mênh mông một bãi cát bồi". (Chỗ Hàn Tín luyện binh. Bản dịch)

“Cho hay đời người uy quyền danh lợi thực là vô vị / Mà xưa nay ai phá được giấc mê  ấy". (Đình Tô Tần - Bài 1. Bản dịch)
Trước đây Nguyễn Du khóc thương nàng Tiểu Thanh mà chạnh lòng cho thân phận mình một mai về cõi hư vô “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?" thì trong chuyến đi sứ này, ông lại thêm một lần cảm thán về đời người:

“Chân núi có thông cao, dưới thông là mồ mả,
Ngổn ngang gò đống đều là người đời xưa.
(...)
Giàu sang trên đời chỉ là mây nổi.
Trăm năm rốt cuộc đều như thế cả,
Ngoảnh đầu nhìn lại chỉ thấy đám bụi mịt mù"

(Dọc đường cảm hứng. Bản dịch)

Bên cạnh kiệt tác Truyện Kiều, cả ba tập thơ chữ Hán cho thấy những “cung bậc" sáng tác phù hợp với các chặng đường đời và tư tưởng tác giả. Đặc biệt với tập thơ sứ trình Bắc hành tạp lục, xuyên suốt nội dung tập thơ chữ Hán này là tiếng nói trữ tình, tiếng nói nhân văn giữa một thời tao loạn, tiếng nói khắc khoải tìm về ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người. Đứng giữa đất trời phương Bắc, Nguyễn Du chỉ ra những câu hỏi chung về số phận con người, chỉ ra những khát vọng giá trị nhân văn chung cho mọi kiếp chúng sinh(4)... Nhận diện về điều này, nhà nghiên cứu Trương Chính kết luận: "Cuốn Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du có 131 bài, so với toàn bộ thơ chữ Hán của ông, trong hơn một năm đi sứ, ông sáng tác bằng mấy chục năm ở nhà. Nhà thơ không triền miên ngây ngất trước những danh lam thắng cảnh. Ông chú ý nhiều nhất đến con người và cuộc đời trên đất nước Trung Quốc. Và lúc nào ông cũng xuất phát từ lập trường dân tộc đúng đắn và chủ nghĩa nhân đạo chân thành. Chính vì vậy mà trong tình hình ngày nay, đọc lại Bắc hành tạp lục chúng ta tìm ra được những điều đáng nói"(5)...

Khác với nhiều người, những đóng góp của Nguyễn Du trên lĩnh vực ngoại giao không chỉ đo đếm bằng việc hoàn thành nhiệm vụ Chánh sứ để rồi sau đó được thăng thưởng mà còn cần đặc biệt đánh giá cao phần sáng tác thơ ca, phần giá trị văn hoá mà ông để lại cho đời./.

Xét cả trên phương diện ngoại giao và văn hóa, Nguyễn Du là nhà văn hoá - ngoại giao xuất sắc. Trên cả hai tư cách, Nguyễn Du là người đóng vai trò cầu nối tình hữu nghị, niềm cảm thông giữa những người dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc; đồng thời để lại những vần thơ giàu giá trị nhân bản, tỏa sáng đến muôn đời sau.

PGS.  TS. Nguyễn Hữu Sơn
Viện Văn học

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

 _______________________________
(1) (5) Trương Chính: Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc, Tuyển tập Trương Chính, t.I. Nxb. Văn học, H, 1997, tr.433, 451-452.
(2) Thái Văn Kiểm: 200 năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều. Nxb. Giáo dục, H, 2005, tr.173-190.
(3) Mai Quốc Liên - Nguyễn Minh Hoàng (Biên khảo): Nguyễn Du toàn tập, t.II. Nxb. Văn học, H, 2015, tr.361-363.
(4) Nguyễn Hữu Sơn: Thi hào Nguyễn Du - Từ thơ chữ Hán đến kiệt tác Truyện Kiều. Nxb. Trẻ, TP. HCM, 2005, tr.9-42.

 


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập122
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm109
  • Hôm nay536
  • Tháng hiện tại140,451
  • Tổng lượt truy cập7,938,359
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây