Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hội nhập quốc tế trong tình hình mới

Chủ nhật - 16/02/2025 11:25 113 0
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đạt được khá toàn diện, góp phần gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước

Trên cơ sở đánh giá tình hình, xác định mục tiêu, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24/01/2024 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, với một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; đổi mới tư duy, nhận thức và hành động trong hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Phổ biến, quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế. Thống nhất nhận thức hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả là một định hướng chiến lược lớn của Đảng. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động ứng phó hiệu quả với các tác động tiêu cực trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Hai là, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thúc đẩy chuyển đổi số. Tích cực thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. Tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.  

Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao, nhất là của các tập đoàn lớn toàn cầu. Khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài; xây dựng và bảo vệ các thương hiệu quốc gia đạt tầm quốc tế. Tạo chuyển biến mạnh mẽ, căn bản về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi, an toàn, bảo đảm nguyên tắc minh bạch.

Tây Ninh luôn mời gọi, chào đón, quan tâm đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Ba là, hội nhập quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nâng cao tiềm lực và vị thế quốc tế của đất nước. Tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước Đông Nam Á, các đối tác quan trọng khác và bạn bè truyền thống, gia tăng tin cậy chính trị và hiệu quả hợp tác. Chủ động, tích cực đảm nhận trọng trách và nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải trên những lĩnh vực phù hợp với khả năng, lợi ích của ta tại các tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, đặc biệt là ASEAN, Liên hợp quốc, hợp tác tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác mới ở Châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Mở rộng, tăng cường, làm sâu sắc và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng, định hướng cho hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động, tích cực tham gia, phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương chính đảng, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ đối với Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác phát triển nghiệp an ninh mạng, hợp tác về an ninh biển, phòng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, rửa tiền, mua bán người và giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống khác.

Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng không gian phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước. Tích cực huy động, tranh thủ nguồn lực quốc tế để phát triển hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn. Thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tranh thủ nguồn lực quốc tế, phát huy mạnh mẽ nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, có trình độ về công nghệ mới, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, các ngành mới nổi và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Thu hút và trọng dụng nhân tài, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học và trí thức quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.

Năm là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóá, xã hội, du lịch, môi trường, giáo dục - đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác. Đẩy mạnh hợp tác song phương; tích cực tham gia, đóng góp và đảm nhiệm các trọng trách quốc tế tại các cơ chế đa phương trong các lĩnh vực liên quan, phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Chủ động đề xuất, dẫn dắt các sáng kiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong các vấn đề Việt Nam có thế mạnh, trong đó có giảm nghèo bền vững, an ninh lương thực, bảo vệ quyền trẻ em, y tế, bình đẳng giới.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc. Thúc đẩy đưa lao động có tay nghề đi làm việc tại những thị trường có thu nhập cao, an toàn; bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài. Tích cực mở rộng, đa dạng hoá thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng các thị trường có tiềm năng, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Đẩy mạnh chuẩn hoá, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, quản lý khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, quản lý môi trường và thiết bị y tế. Chủ động tham gia các khuôn khổ hợp tác quốc tế về thông tin truyền thông, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Sáu là, nâng cao năng lực thực thi các cam kết, thoả thuận quốc tế gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực thi và đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong nước. Đẩy mạnh rà soát và nâng cao hiệu quả nhiệm vụ nội luật hoá pháp luật quốc tế để góp phần thực hiện đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả các nghĩa vụ, cam kết quốc tế, phù hợp với điều kiện của đất nước và bối cảnh quốc tế mới. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Khẩn trương thể chế hoá, cụ thể hoá các chiến lược hội nhập quốc tế theo ngành, lĩnh vực.

 Phát huy hiệu quả vai trò của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cáo tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các cam kết về hội nhập quốc tế. Nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong việc rà soát, kiểm tra, đôn đốc và giám sát thực hiện các cam kết, thoả thuận quốc tế.

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều phối công tác hội nhập quốc tế; phát huy vai trò tích cực, chủ động của các địa phương. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng và số lượng phù hợp đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế ở cả Trung ương và địa phương. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tinh thông về luật pháp, có khả năng tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương hội nhập quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế, nhất là tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nhân lực và khả năng ứng phó với tác động của môi trường quốc tế. Nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tích cực, đồng bộ và hiệu quả của các địa phương và công tác ngoại vụ địa phương trong triển khai hội nhập quốc tế và tham gia các cơ chế hợp tác, diễn đàn, mạng lưới của các thành phố, đô thị lớn; tăng cường kết nghĩa, hợp tác với các đối tác quốc tế.

 

Hoàng An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Đảng bộ
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập85
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm75
  • Hôm nay111,203
  • Tháng hiện tại1,403,000
  • Tổng lượt truy cập9,751,630
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây