Theo Worldometers, tính đến 9 giờ sáng 20-6 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 8.757.734 ca bệnh và 462.519 người tử vong do Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm khi đại dịch Covid-19 đang lan nhanh.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 19-6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đại dịch Covid-19 đang lan nhanh. Theo ông Ghebreyesus, thế giới đang ở trong một giai đoạn mới và nguy hiểm. Nhiều người đang mệt mỏi sau thời gian dài ở nhà, các quốc gia đang nóng lòng mở cửa xã hội và nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lan nhanh, vẫn là chủng virus có thể gây chết người và phần lớn người dân vẫn dễ bị lây nhiễm. Do đó, WHO kêu gọi tất cả các quốc gia và người dân giữ cảnh giác ở mức tối đa. WHO khuyến cáo người dân nên tiếp tục giữ khoảng cách an toàn với những người khác, ở trong nhà nếu bị ốm, che miệng và mũi khi ho, đeo khẩu trang khi cần thiết, giữ tay sạch sẽ. WHO tiếp tục kêu gọi các quốc gia tập trung vào những vấn đề cơ bản, đó là: tìm kiếm, cách ly, xét nghiệm và chăm sóc mọi ca bệnh, truy vết và cách ly tất cả những người tiếp xúc với người bệnh.
Ông Ghebreyesus cho biết, một ngày trước đó, WHO đã nhận thông tin về hơn 150 nghìn ca bệnh mới, đánh dấu ngày thế giới ghi nhận nhiều ca mới nhất trong thời gian gần đây. Gần 50% số ca bệnh mới được phát hiện tại châu Mỹ, trong khi Nam Á và Trung Đông cũng có thêm nhiều ca mắc mới.
Bộ Y tế Brazil cho biết, ngày 19-6, số ca bệnh tại nước này đã vượt ngưỡng một triệu và số ca tử vong gần chạm mốc 50 nghìn ca. Nước này chỉ đứng sau Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, về số ca bệnh và tử vong do Covid-19. Theo TTXVN, sau gần bốn tháng bùng phát dịch Covid-19, số ca mắc mới tại Brazil vẫn tiếp tục xu hướng tăng và các chuyên gia đánh giá thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn đỉnh dịch. Dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, song phần lớn chính quyền các địa phương tại Brazil đã bắt đầu nới lỏng biện pháp cách ly xã hội bắt buộc được áp dụng từ giữa tháng 3 vừa qua để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Một số địa phương đã cho mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và cửa hàng, trong khi ngành công nghiệp cũng bắt đầu sản xuất trở lại. Tại Rio de Janeiro, các trận đấu bóng đá thuộc giải vô địch Carioca cũng được phép tổ chức trở lại cho dù không có khán giả. Đây là giải đấu bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên tại Nam Mỹ được nối lại kể từ khi bị tạm dừng do ảnh hưởng của Covid-19.
Dịch Covid-19 cũng đang diễn biến phức tạp tại Mỹ khi hầu hết các bang đang bước vào giai đoạn hai mở cửa nền kinh tế. Ngày 19-6, Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser thông báo, khu vực District of Columbia sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn hai mở cửa trở lại từ ngày 22-6. Theo đó, các trường học có thể mở lại một phần với ưu tiên dành cho một số đối tượng học sinh và mỗi lớp không quá 10 học sinh. Các trường cao đẳng và đại học có thể mở cửa theo kế hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, các hoạt động và sự kiện dưới 50 người có thể được tổ chức. Các dịch vụ ăn uống bên trong nhà hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ được mở cửa 50% công suất. Các tiệm làm móng, cắt tóc được mở cửa và phục vụ khách theo lịch hẹn. Thư viện, bảo tàng, nhà thờ, phòng tập gym, sân chơi, công viên cũng được mở lại với điều kiện phải tuân thủ hạn chế công suất và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, một số dịch vụ tại bar, pub, hộp đêm, phòng xông hơi, tắm nước nóng tiếp tục phải đóng cửa. Thủ đô Washington D.C đã ghi nhận sự sụt giảm các ca mắc mới Covid-19 trong vòng 14 ngày liên tiếp.
Tại châu Âu, Pháp ghi nhận 14 ca tử vong mới, mức thấp nhất trong một ngày kể từ ngày 10-3. Tính đến ngày 19-6, Pháp có tổng cộng 159.452 ca nhiễm, tăng 811 ca so với trước đó một ngày và đây là mức tăng cao nhất trong tuần, số ca tử vong của nước này là 29.617 ca. Số ca mới tại Đức cũng bắt đầu tăng trở lại khi trong ngày 19-6, nước này ghi nhận thêm 770 ca sau khi một ổ dịch bùng phát tại nhà máy giết mổ gia súc của Tập đoàn Toenies ở Bắc Rhine-Westphalia. Đức hiện có tổng cộng 190.660 ca bệnh, trong đó 8.960 người đã tử vong.
Với gần 400 nghìn ca bệnh và xấp xỉ 13 nghìn ca tử vong do Covid-19, Ấn Độ vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Á. Nước này có số ca bệnh và tử vong cao hơn nhiều so với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Singapore. Hãng thông tấn Yonhap ngày 20-6 đưa tin, Hàn Quốc vừa có thêm 67 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, mức tăng cao nhất trong hơn ba tuần qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã ghi nhận 12.373 ca bệnh và 280 ca tử vong. Số ca mắc mới tại nước này tăng có thể khiến Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc lại việc triển khai các biện pháp giãn cách xã hội hiện nay. Trước đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, Hàn Quốc đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vốn được đưa ra để ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Thống kê 10 quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 2.297.190 ca mắc, 121.407 ca tử vong
2. Brazil: 1.038.568 ca mắc, 49.090 ca tử vong
3. Nga: 569.063 ca mắc, 7.841 ca tử vong
4. Ấn Độ: 395.812 ca mắc, 12.970 ca tử vong
5. Anh: 301.815 ca mắc, 42.461 ca tử vong
6. Tây Ban Nha: 292.655 ca mắc, 28.315 ca tử vong
7. Peru: 247.925 ca mắc, 7.660 ca tử vong
8. Italy: 238.011 ca mắc, 34.561 ca tử vong
9.Chile: 231.393 ca mắc, 4.093 ca tử vong
10. Iran: 200.262 ca mắc, 9.392 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Singapore: 41.615 ca mắc, 26 ca tử vong
2. Indonesia: 43.803 ca mắc, 2.373 ca tử vong
3. Philippines: 28.459 ca mắc, 1.130 ca tử vong
4. Malaysia: 8.535 ca mắc, 121 ca tử vong
5. Thái Lan: 3.146 ca mắc, 58 ca tử vong
6. Việt Nam: 349 ca mắc
7. Myanmar: 286 ca mắc, 06 ca tử vong
8. Brunei: 141 ca mắc, 03 ca tử vong
9. Campuchia: 129 ca mắc
10. Lào: 19 ca mắc
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Bắc Mỹ: 2.658.492 ca mắc, 152.540 ca tử vong
2. Châu Âu: 2.283.096 ca mắc, 186.934 ca tử vong
3. Châu Á: 1.816.411 ca mắc, 46.363 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 1.701.177 ca mắc, 68.830 ca tử vong
5. Châu Phi: 288.812 ca mắc, 7.713 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 9.025 ca mắc, 124 ca tử vong
Nguồn: Nhân dân điện tử
Ý kiến bạn đọc