Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Xử lý nghiêm minh mọi hành vi sai phạm

Thứ sáu - 10/12/2021 11:00 135 0

​  Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh"; nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ…


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tại Hội nghị. Ảnh: CPV

Bằng hình thức trực tuyến, ngày 09/12, tại hội trường Diên Hồng, toà nhà Quốc hội, Ban Bí thư tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận 21 “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" và Quy định 37 về “Những điều đảng viên không được làm" của Ban Chấp hành Trung ương trong toàn Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tham dự, chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự có Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện nhiều ban, ngành.


Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Củng cố niềm tin

Báo cáo tại hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, một trong những bài học kinh nghiệm quý báu hàng đầu được nhấn mạnh trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đó là: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bài học kinh nghiệm xuyên suốt của Đảng từ khi thành lập đến nay, nhất là trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Từ năm 1990 đến nay, cùng với việc thực hiện công tác xây dựng Đảng trong các nghị quyết Đại hội Đảng từ khoá VII đến khoá XIII, Đảng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi nghị quyết, Đảng đều sơ kết, tổng kết, đánh giá mặt được, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xây dựng và ban hành nghị quyết mới với quyết tâm chính trị cao hơn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, yêu cầu cao hơn đối với cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã nhận diện cụ thể những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến", “tự chuyển hoá".

Tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII cho thấy, từ năm 2016-2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" bị xử lý kỷ luật. Trong đó, 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, 8.281 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, 1.722 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá".

Bà Trương Thị Mai cho biết, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng nhận định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt trên các mặt xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Kết quả này khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, khắc phục nhiều mặt hạn chế, yếu kém nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII; bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống nhân dân.

Kết luận 21 tiếp tục nhấn mạnh những mặt đạt được trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII. Cụ thể, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng; triển khai nghiêm túc, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống, có nhiều bước đột phá quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Nhận thức, trách nhiệm cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên. Nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến', “tự chuyển hoá", đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kết hợp hài hoà giữa xây và chống.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh, khách quan cán bộ, đảng viên vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân. Tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ, hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng tiêu cực.

Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện và chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" đạt được một số kết quả; tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.

Hạn chế, yếu kém

Bà Trương Thị Mai nêu, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức Đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực, chế tài xử lý vi phạm chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp.

Giám sát của MTTQVN, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Sinh hoạt Đảng đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, có nơi mất sức chiến đấu. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa tiên phong, gương mẫu, còn quan liêu, cửa quyền, chưa sâu sát cơ sở.

Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái. Một số mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI chưa đạt, tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm.

Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp uỷ, lãnh đạo chưa rõ ràng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn.

Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ; việc nhận diện, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến", “tự chuyển hoá", phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén, hiệu quả chưa cao.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Người đứng đầu phải gương mẫu

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Đảng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh"; nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, trong đó có việc phát huy những tác động tích cực, khắc phục những tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XII khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến", “tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt người đứng đầu, người chủ trì phải gương mẫu, tự giác làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ đợi) căn cứ vào nghị quyết, kết luận và quy định lần này, nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.

Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán", hoặc “chờ xem", coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất.

Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng để “đấu đá", “hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác"- Tổng Bí thư lưu ý.

Theo Tổng Bí thư, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải giữ vững nguyên tắc của Đảng, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng. Người đứng đầu phải gương mẫu làm trước và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp, phê bình cán bộ, đảng viên, phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền" hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ đều là không đúng.

Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới"- Tổng Bí thư nêu rõ.

Việt Đông


  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập81
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay7,652
  • Tháng hiện tại147,567
  • Tổng lượt truy cập7,945,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây