Vạch trần các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo gây mất an ninh trật tự ở nước ta

Thứ ba - 02/04/2024 07:25 483 0
Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nhân dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài. Nghiêm trọng hơn, các thế lực thù địch, tổ chức lưu vong đã kích động, lôi kéo người dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối an ninh trật tự, qua đó thực hiện các mưu đồ chính trị, chống Đảng và Nhà nước ta...

(Hình minh họa)

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trên cơ sở pháp luật; góp phần giữ vững sự ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng nảy sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, dẫn đến tình hình khiếu kiện ở nước ta có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Chỉ tính riêng trong năm 2023, có 391.512 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 294.909 vụ việc, có 2.943 đoàn đông người; trong đó, tổng số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp là hơn 7.000 (tăng 15,5% so với năm 2022). Đáng chú ý, khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương có nhiều dự án đầu tư liên quan đến thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Những khó khăn, bức xúc, mâu thuẫn từ cơ sở chưa được phát hiện kịp thời và giải quyết thỏa đáng; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thiếu đồng bộ, thống nhất; cơ quan thực hiện chính sách, pháp luật, nhất là về đất đai, nông nghiệp, môi trường... chưa đúng, chưa đầy đủ, chính quyền và cơ quan chức năng chưa chủ động đối thoại với người dân để giải quyết vướng mắc, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành...

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân sâu xa là các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chỉ đạo, kích động, lôi kéo, tập hợp người dân tham gia thực hiện “cách mạng màu” đối với nước ta. Tham gia hậu thuẫn, chỉ đạo nhiều vụ việc, điểm nóng là các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Triều đại Việt, Liên minh Việt Nam tự do... Chúng thông qua các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước lợi dụng tâm trạng bức xúc cùng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để kích động, xúi giục, lôi kéo họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để khiếu kiện, tập trung đông người nhằm gây rối an ninh trật tự, cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; qua đó, hòng tác động, gây áp lực nhằm can thiệp vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự”, các tổ chức chính trị đối lập, hợp pháp hóa những hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, biểu tình, bạo loạn chống Đảng và Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch đặc biệt lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các diễn đàn hợp tác quốc tế; lợi dụng bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, xuất hiện những vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia... để kích động, lôi kéo người dân ở các địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu kiện hoặc người dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải đi khiếu kiện..., tụ tập tham gia tuần hành, biểu tình gây phức tạp về an ninh trật tự, cản trở các hoạt động bình thường của xã hội.

Về phương thức, thủ đoạn, các thế lực thù địch bên ngoài lập ra các “phong trào", "tổ chức” để vừa vận động quyên góp tiền, vật chất, vừa kích động, lôi kéo người dân ở các địa phương xảy ra tranh chấp, khiếu kiện hoặc người dân có quyền và lợi ích bị xâm phạm phải đi khiếu kiện, tham gia chống đối hoặc tuần hành, biểu tình, tán phát truyền đơn nhằm kêu gọi bên ngoài ủng hộ “đồng bào quốc nội”.

Chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để thành lập các trang, hội nhóm kích động, tập hợp, lôi kéo những người có chung quan điểm để khiếu nại, tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; lợi dụng bưu chính, viễn thông để gửi đơn, thư nặc danh hoặc tung tin đồn thất thiệt nhằm vu khống, bôi nhọ với mục đích hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng.

Chúng hướng dẫn người dân viết đơn, thư khiếu kiện, làm băng rôn, khẩu hiệu, kéo đến trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp để gây sức ép; hướng dẫn viết bài đăng trên internet, mạng xã hội để tạo tiếng vang. Những đối tượng này còn tìm cách xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật, vu cáo chính quyền vi phạm dân chủ, nhân quyền, bóp méo tình hình thực tế, thổi phồng vụ việc để tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài và lôi kéo người dân khác tham gia biểu tình, gây rối an ninh trật tự, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Điển hình như vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp đối với dự án thu hồi đất, di dời chùa Liên Trì, số 153, đường Lương Định Của, phường An Khánh, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; vụ khiếu kiện tại Tu viện Bát Nhã, xã Đamb'ri, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng...

Nhằm vạch trần, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khiếu kiện để xâm phạm an ninh trật tự ở nước ta, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm sau:

Một là, các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, đất đai, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng và các văn bản chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành; lấy ổn định lòng dân làm nguyên tắc cơ bản trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường lòng tin của quần chúng nhân dân vào Nhà nước và chính quyền các cấp về giải quyết khiếu nại, tố cáo; ưu tiên giải quyết các quyền lợi chính đáng của quần chúng nhân dân, bảo đảm hài hòa với lợi ích chung của Nhà nước.

Hai là, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về âm mưu, hoạt động của kẻ địch lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động người dân xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, từ đó tự giác tham gia công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; mỗi người dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo đều phải hiểu rõ và thực hiện đúng quyền khiếu nại, tố cáo trên cơ sở pháp luật.

Vận dụng linh hoạt các biện pháp công tác trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, góp phần bảo đảm an ninh trật tự; trong đó, chú trọng vận dụng quy định hành chính, dùng sức mạnh của quần chúng để giải quyết.

Ba là, làm tốt công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, dứt điểm hoạt động lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài trợ, kích động hoạt động khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vượt cấp; giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, khiếu kiện, điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự ở địa phương, không để lây lan, kéo dài, vượt cấp.

Thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng tổ dân phố, khu phố đoàn kết, văn hóa; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản an ninh trật tự ở từng địa phương.

Bốn là, các ban, bộ, ngành chức năng thường xuyên phối hợp rà soát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc, đất đai, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo để qua đó kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót nhằm kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế.

Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan chức năng, các tầng lớp nhân dân trong phối hợp với lực lượng công an giải quyết kịp thời những vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, đất đai, phải tính toán, cân nhắc thời điểm phù hợp, bảo đảm yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại nhằm tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân.

Năm là, cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Tiếp tục phát huy và thực hiện đồng bộ, triệt để, hiệu quả Quy chế dân chủ ở khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn vững mạnh, thực sự là nòng cốt trong giữ vững an ninh trật tự tại địa phương/.

TÂN LONG (qdnd.vn)

Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm63
  • Hôm nay5,734
  • Tháng hiện tại55,462
  • Tổng lượt truy cập6,992,111
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây