Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Thứ sáu - 27/10/2023 21:49 2.037 0
Chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam); chính sách giáo dục là quốc sách hàng đầu được thể hiện ngay trong Điều 35 của Hiến pháp 1992: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đến Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 thì sửa thành: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ngày 04/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó, quan điểm chỉ đạo nêu rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh tiếp tục phát triển, chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp nhằm đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân.
gd 1


Một tiết học của cô và trò tại Trường Tiểu học Phước Ninh

Các cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Chương trình hành động số 39-CTr/TU của Tỉnh uỷ, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp uỷ, chính quyền, đảng viên, ban, ngành, đoàn thể và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục.
Công tác phát triển đảng, công tác chính trị, tư tưởng, quy hoạch cán bộ quản lý, đào tạo lý luận chính trị trong các trường học, trong đội ngũ giáo viên được chú trọng; 100% các đơn vị trường học đều có đảng viên, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên; quan tâm giải quyết xử lý các hiện tượng tiêu cực, sai phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tổng chi ngân sách cho giáo dục hàng năm đạt trên 20% tổng chi ngân sách địa phương. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đã được chú trọng đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, lớp học 2 buổi/ ngày phát triển và mở rộng ở mọi địa bàn dân cư. Các cơ sở giáo dục, sắp xếp lại các phòng học, phòng chức năng đảm bảo khối lớp 1, 2 và 3 có đủ 1 phòng/lớp để đảm bảo học đủ 2 buổi/ngày, đồng thời sắp xếp lại các phòng chức năng để tổ chức dạy ngoại ngữ, tin học bắt buộc theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các ngành học, cấp học được củng cố, kiện toàn, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. Các chính sách đối với người dạy, người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng lộ trình. Thực hiện đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kết hợp các phương pháp giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý.
Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác Đoàn, Đội, giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực học đường, an toàn giao thông,… được các đơn vị quan tâm và thường xuyên thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo học sinh tham gia và đạt kết quả tốt.
Thực hiện công tác xã hội hóa về giáo dục nghề nghiệp, đã thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề, góp phần đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được quan tâm, chú trọng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cung ứng nguồn lực lao động cho địa phương. Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo năm 2010 là: 50%, năm 2022 đạt 72%.
Các chương trình giáo dục tiếp tục được thực hiện có hiệu quả theo hướng chuẩn hóa, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; làm tốt công tác đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao hiệu quả dạy học, hỗ trợ dạy và học phù hợp với từng đối tượng; quan tâm đặc biệt nâng cao chất lượng dạy và học của Trường phổ thông Dân tộc nội trú và Trường Khuyết tật tỉnh; xây dựng và phát triển Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha thành trung tâm giáo dục chất lượng cao của tỉnh.
Một số hoạt động hay, tích cực được triển khai trong các trường học đã thu hút các em học sinh hứng thú tham gia, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng học tập cũng như phát triển kỹ năng, đam mê nghiên cứu khoa học.
Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Hòa Thành) có các câu lạc bộ, các hoạt động trải nghiệm mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Câu lạc bộ văn hóa tuần tổ chức vào tiết sinh hoạt dưới cờ cho học sinh tham gia trả lời các câu hỏi trong 8 bộ môn được giảng dạy trong nhà trường. Đây là sân chơi bổ ích giúp các em học sinh “chơi mà học, học mà chơi”, là môi trường thuận lợi để các em giao lưu, củng cố kiến thức, vận dụng kiến thức đã học để giải thích các sự vật, hiện tượng trong đời sống, đồng thời các em giao lưu trao đổi kinh nghiệm, kiến thức học tập với học sinh khác trong trường. Câu lạc bộ Vui học bộ môn được tổ chức hàng tháng, là một trong những hình thức hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Khi tham gia sinh hoạt CLB, sẽ phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện cho các em các kỹ năng thuyết trình, năng lực lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm; học sinh còn được định hướng, trải nghiệm các nội dung học tập để khám phá bản thân và phát triển năng khiếu. Ngoài ra, trường còn thực hiện các chuyên đề, trải nghiệm, STEM hiệu quả. Tích cực tham gia phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT học sinh. Duy trì, củng cố, phát triển và nâng tầm hoạt động của các CLB, là sân chơi lành mạnh, bổ ích, thu hút nhiều học sinh tham gia, là điểm sáng trong hoạt động ngoại khóa, đã được báo cáo điển hình trong và ngoài tỉnh.
Mô hình tổ chức các hoạt động trải nghiệm và Câu lạc bộ môn học ở  THCS Trần Hưng Đạo (Thành phố Tây Ninh) giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, mạnh dạn chịu trách nhiệm hành vi của bản thân đối với gia đình, bạn bè và xã hội nhằm phát triển, nâng cao các tố chất và tiềm năng của bản thân học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, đồng thời quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo tỉnh Tây Ninh còn không ít những khó khăn, hạn chế.
 
gd 2

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn và đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tham dự ngày hội “Tuổi trẻ Việt Nam - Rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai”  

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp uỷ trong tổ chức triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 39- CTr/TU có lúc chưa tập trung; việc quán triệt, tuyên truyền chưa sâu, hiệu quả chưa cao, vẫn còn cán bộ, đảng viên trong ngành giáo dục và đào tạo nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; việc phối hợp giữa cấp uỷ, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa xuyên suốt, thường xuyên; vai trò kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên đối với công tác sinh hoạt chi bộ trường học chưa được tăng cường.
Chưa phát huy năng lực lãnh đạo của cấp uỷ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại một số cơ sở giáo dục; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong đội ngũ giáo viên của một số cấp uỷ trường học chưa được coi trọng, vẫn còn giáo viên vi phạm tài chính, đạo đức nghề nghiệp, lối sống đến mức bị xử lý kỷ luật.
Năng lực quản trị trong trường học còn hạn chế, nhất là trong công tác quản lý tài chính, có nơi chưa chặt chẽ, còn nhiều hạn chế, sai phạm bị xử lý.
Việc triển khai thực hiện các chủ trương xã hội hoá còn chậm, thiếu đồng bộ; các tổ chức kinh tế, xã hội tham gia vào quá trình xã hội hoá giáo dục còn hạn chế.
Tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp chưa đạt theo quy định, nhất là đối với giáo dục mầm non, tiểu học. Giáo viên trung học thừa thiếu cục bộ tùy theo từng bộ môn, từng địa phương. Còn một số ít giáo viên thiếu tâm huyết, trách nhiệm; trình độ chuyên môn, chất lượng giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện chương trình GDPT 2018 chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các phòng học để triển khai học 2 buổi/ngày; tỉ lệ học sinh/lớp khá cao; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất, thiết bị máy móc phục vụ cho công tác đào tạo nghề đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh còn nhiều hạn chế về chất lượng, đặc biệt là lực lượng lao động có kỹ năng và tay nghề kỹ thuật cao. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa đạt hiệu quả cao, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề thấp.
Trong những năm tới, trước sự tác động to lớn của cuộc cách mạng công nghệ, tỉnh Tây Ninh đang trong quá trình phát triển công nghiệp hóa và đô thị hóa nên việc gia tăng dân số cơ học nhanh, nhất là thành phố, các thị xã, thị trấn, các xã gần khu, cụm công nghiệp dẫn tới sức ép lớn đối với ngành giáo dục và đào tạo. Điều này đòi hỏi ngành giáo dục phải tận dụng, khai thác hiệu quả những thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được của ngành, đồng thời đề xuất những giải pháp khả thi để vượt qua những khó khăn, thách thức hoàn thành thắng lợi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian tới, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai sâu sắc Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 10/02/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và học sinh toàn ngành, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc đầu tư, quan tâm, chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo.
Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ trong công tác xây dựng Đảng trong ngành giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại các trường học; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cấp trên đối với công tác sinh hoạt chi bộ trường học; xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển đảng viên trong ngành giáo dục và đào tạo của cả nhiệm kỳ và hằng năm; tạo môi trường thuận lợi để giáo viên giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục theo mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục pháp luật, tinh thần trách nhiệm và ý thức công dân; giáo dục thể chất và hướng nghiệp cho học sinh; kết hợp hài hoà dạy chữ, dạy người và dạy nghề; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện và hiện đại.
Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở giáo dục theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kỷ cương trong giáo dục và đào tạo: chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, không đúng quy định; giải quyết các biểu hiện tiêu cực trong kiểm tra, thi cử, đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo; tình trạng bạo lực học đường; đạo đức nhà giáo xuống cấp; lạm thu và sử dụng các nguồn thu không đúng mục đích... Tăng cường công tác thanh - kiểm tra nhằm ngăn chặn từ xa các sai phạm.
Điều chỉnh, bổ sung các đề án, kế hoạch và quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo cho phù hợp với việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện Chương trình GDPT 2018; tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện và phát triển chương trình phù hợp với văn hóa, điều kiện của địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu về đổi mới chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại để cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn quy định theo Luật Giáo dục 2019. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa và đổi mới. Tăng cường phối hợp giữa cơ sở GDNN với các doanh nghiệp tư nhân ký kết hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng, phối hợp với doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo sát với thực tế, tổ chức cho học sinh, sinh viên, học viên thực hành tại nhà máy.
Thanh Thanh

Tác giả: Trần Đăng Khoa, Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập32
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay1,855
  • Tháng hiện tại278,545
  • Tổng lượt truy cập6,589,137
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây