Được sự chỉ đạo của Quân khu, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp với các lực lượng trên đưa ra các biện pháp tích cực trong phòng thủ, tạo thế ổn định trên tuyến biên giới; động viên kịp thời sức người, sức của phía sau chi viện cho phía trước, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang, du kích địa phương, triển khai kế hoạch phòng thủ biên giới tốt, tổ chức truy quét địch trong nội địa, đập tan nhiều nhen nhóm chính trị vũ trang phản động, bắt được những tên đầu sỏ.
Ngày 26/3/1978, được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và chỉ thị về xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Tây Ninh của Tư lệnh Quân khu, ngày 24/4/1978, Tỉnh ủy Tây Ninh đã ban hành Nghị quyết xây dựng hệ thống phòng thủ biên giới, chỉ đạo nhanh chóng tiến hành xây dựng một hệ thống phòng thủ biên giới thật vững chắc, có thế chiến đấu liên hoàn, lực lượng chiến đấu mạnh; quy hoạch lại các điểm dân cư, xây dựng xã, ấp chiến đấu. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị huy động lực lượng dân công trong tỉnh, kể cả sở, các ngành, các xí nghiệp, trường học đi làm nghĩa vụ xây dựng tuyến phòng thủ biên giới, mỗi người 10 ngày, sau đó luân phiên có mặt trên công trường thi công 27 tiểu đoàn mỗi ngày (tương đương 10.800 người); huy động vật tư, xe máy tập trung cao nhất cho xây dựng, kể cả của công và của tư nhân. Các máy cày tư nhân làm nghĩa vụ cày 20 mẫu ruộng, nếu là trâu bò thì cày 02 mẫu ruộng biên giới để Nhân dân kịp làm mùa; mỗi người dân vót 200 cây chông, mỗi công nhân viên nhà nước vót 100 cây, đồng thời hết sức tranh thủ sự chi viện vật tư, xe máy, kế hoạch, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan cấp trên và sự đóng góp sức người, sức của của Thành phố Hồ Chí Minh.
Bia chứng tích tội ác của quân Khơ-me đỏ (Pol Pot - Ieng Sary) tại xã Tân Lập huyện Tân Biên
Đến ngày 29/5/1978, công tác xây dựng tuyến phòng thủ biên giới được triển khai gồm 3 Tuyến:
Tuyến 1 có 02 đoạn: Đoạn 1, từ huyện Trảng Bàng đến huyện Châu Thành, đắp bờ dài 70 km, chiều cao 2 m, rộng 6 m, bề mặt 2 - 3m; có đoạn để trống xây dựng bãi tử địa; hệ thống bờ thành gồm có chướng ngại vật (chông, mìn, rào kẽm gai), lô cốt, công sự chiến đấu tạo thành cụm điểm tựa; từng khu vực phòng thủ bố trí lực lượng cơ động chiến đấu. Đoạn 2, từ huyện Châu Thành đến huyện Tân Biên dài 170 km, đoạn này có rừng nên không đắp bờ thành, chỉ phát hoang cắm chông, gài trái tạo thành bãi tử địa, có chiều rộng từ 100m – 300m, kết hợp bố trí lực lượng có trọng điểm để giữ tuyến biên giới;
Tuyến 2: xây dựng lại các căn cứ khu vực biên giới thành xã chiến đấu phù hợp với tình hình để vừa chiến đấu, bảo vệ sản xuất, ổn định nơi ăn, ở của Nhân dân các xã biên giới huyện Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng.
Tuyến 3: xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ các huyện, thị nội địa.
Hàng ngàn đồng bào Tây Ninh ra biên giới xây bờ thành, đắp lũy, đào hào, vót chông. Sức mạnh to lớn của thế trận chiến tranh nhân dân một lần nữa lại được khẳng định. Thể hiện sức mạnh tổng hợp của thế trận quốc phòng toàn dân, vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, vừa ra sức ổn định đời sống, vừa tập trung chăm lo cho lực lượng vũ trang chiến đấu phía trước, chiến đấu đạt hiệu quả cao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ được biên giới, bảo vệ được dân, đẩy địch vào thế suy yếu toàn diện, mở đầu cho bước phát triển mới của chiến tranh bảo vệ biên giới. Cùng với lực lượng vũ trang Quân khu, lực lượng vũ trang Tây Ninh phát triển tiến công mở rộng sang đất Campuchia, đẩy địch vào thế bị động.
Từ ngày 20 đến 23/10/1978, Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương họp bàn kế hoạch tác chiến ở biên giới Tây Nam và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hội nghị bàn việc giúp đỡ nhân dân Campuchia nổi dậy, bằng lực lượng của ta và của bạn, thực hiện đánh nhanh, giải quyết nhanh, giúp đỡ nhân dân Campuchia làm lại cuộc cách mạng, lật đổ chế độ Pol Pot, lập chính phủ hòa hợp dân tộc vì lợi ích của nhân dân Campuchia, vì khối đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Thực hiện chủ trương trên, quân dân Tây Ninh cùng các lực lượng Quân khu đẩy mạnh phản công địch, mở rộng cuộc tiến công sang đất Campuchia; đồng thời tiếp tục làm tốt việc đưa đón, nuôi dưỡng người dân Campuchia lánh nạn sang Tây Ninh. Lực lượng Pol Pot tổn thất lớn. Các cuộc nổi dậy của quân đội chân chính Campuchia được nhân dân nước bạn tham gia đông đảo, lan nhanh đến nhiều vùng quan trọng. Ngày 02/12/1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, do ông Hên Xomrin làm Chủ tịch. Sự kiện này đã có ý nghĩa to lớn trong việc tập hợp nhân dân Campuchia đứng về phía cách mạng, tạo ra những điều kiện vững chắc, đảm bảo thực hiện thành công cuộc tiến công giải phóng toàn bộ đất nước Campuchia.
Theo mong muốn và yêu cầu của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, lực lượng vũ trang tình nguyện Việt Nam, trong đó có lực lượng Tây Ninh phối hợp với lực lượng cách mạng bạn lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot (ngày 07/01/1979), giải phóng đất nước Campuchia. Một lần nữa, đất nước Campuchia trở thành tiền tuyến lớn của những người chiến sĩ cộng sản quốc tế cao cả. Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng đã trở thành hậu phương lớn, vững chắc cho cuộc cách mạng hồi sinh dân tộc Campuchia. Đất nước Campuchia được giải phóng, chủ quyền biên giới phía Tây Nam Tổ quốc Việt Nam được giữ vững.
Trong 450 ngày đêm trực tiếp chiến đấu và phối thuộc chiến đấu cùng các lực lượng trên, quân và dân Tây Ninh đánh trên 1.000 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 4.596 quân Pol Pot, bắt sống 322 tên, diệt 1 tiểu đoàn và 5 đại đội, đánh tan rã 1 trung đoàn và 3 tiểu đoàn, thu 1.969 súng các loại, 19 tấn đạn, diệt 7 xe tăng, thu 7 xe vận tải, gỡ và phá 13.623 quả mìn, giải phóng 6.518 ha đất đai. Có 161 lượt cán bộ, chiến sĩ được trao tặng huân chương; đồn Xa Mát và Phước Tân được tuyên dương đơn vị Anh hùng.
Đoàn viên thanh niên xã Tân Lập thắp hương tại Bia tưởng niệm
Để có được thắng lợi đó, quân dân Tây Ninh đã phải chịu những tổn thất không hề nhỏ: đã có 3.456 cán bộ chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị bè lũ Pol Pot giết hại, 800 nhà cửa bị thiêu cháy; hàng loạt xã, ấp bị tàn phá nặng nề. Riêng xã Tân lập, huyện Tân Biên, quân Pol Pot đã sát hại tổng cộng 592 người, trong đó có 20 gia đình bị chúng giết không còn một ai.
Sau khi biên giới đã trở lại bình yên, chế độ diệt chủng Pol Pot bị đánh đổ, với tinh thần giúp bạn cũng là tự giúp mình, vì nhiệm vụ của dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, trong 10 năm (1979 - 1989), cùng với các tỉnh và lực lượng của trên, tỉnh Tây Ninh đã cử nhiều đoàn chuyên gia và hỗ trợ nhiều nhân lực, của cải vật chất giúp bạn, mà trực tiếp là tỉnh Kompong Chàm (nay tách thành hai tỉnh Kompong Cham và Tbong Khmum) xây dựng lại chính quyền, truy quét tàn dư phản động, tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân. Bằng sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm và sự hợp tác, tạo điều kiện của nước bạn, Tây Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần củng cố, vun đắp mối quan hệ láng giềng, đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia nói chung và giữa chính quyền, Nhân dân Tây Ninh với chính quyền, nhân dân Campuchia cập biên giới nói riêng.
Thắng lợi trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc một lần nữa khẳng định Nhân dân Việt Nam nói chung, Nhân dân Tây Ninh nói riêng, với tinh thần yêu nước vô vàn, ý chí độc lập, tự chủ luôn sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá, xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc
Chiến thắng ngày 07/01/1979 còn có ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn đối với đất nước và nhân dân Campuchia. Thắng lợi đó đã đập tan bộ máy phản động Pol Pot - Ieng Sary, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia, đưa nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, từng bước hồi sinh đất nước.
Nhưng trên tất cả, chiến thắng đó thể hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, trọn vẹn nghĩa tình giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia; mối quan hệ hữu hảo, bang giao bền chặt giữa chính quyền và Nhân dân tỉnh Tây Ninh với chính quyền và nhân dân các tỉnh Campuchia cập biên giới. Thắng lợi đó đã đưa mối quan hệ hai nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước.
Cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã lùi xa 45 năm, nhưng ký ức về những năm tháng ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Tây Ninh. Thắng lợi đó khẳng định: đoàn kết là truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam, tạo thành một sức mạnh vô địch để chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù kẻ thù đó có hùng mạnh và tàn bạo đến đâu.
Thanh Phong
Nguồn tài liệu tham khảo:
Tác giả: Trần Đăng Khoa, Thanh Phong
Ý kiến bạn đọc