Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ phát biểu kết luận hội nghị.
Đông Nam Bộ- Vùng đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, các chính sách đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết, đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kèm theo các Phụ lục gồm các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, 35 nhiệm vụ chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương thực hiện và danh mục 29 dự án kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.
Các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ bám sát các nhiệm vụ được giao, ban hành các Chương trình hành động, kế hoạch cụ thể nhằm khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.
Từ khi được thành lập vào tháng 7.2023 đến nay, Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ đã tổ chức họp 2 lần, do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì để thảo luận, đề ra các giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”. Cụ thể là giải pháp điều phối trong các lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao (trung tâm tài chính, trung tâm logistic), nghiên cứu Quỹ phát triển hạ tầng vùng; khảo sát thực địa và nghe báo cáo về Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách đặc thù của vùng;
Thúc đẩy các dự án giao thông kết nối vùng; lựa chọn một số dự án có tính liên kết vùng để báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030…Tính đến nay, một số đề án, nhiệm vụ đang triển khai hoặc đã có kết quả cụ thể, đóng góp chung vào sự phát triển của Vùng.
Toàn cảnh hội nghị.
Phát biểu thảo luận tại hội đồng điều phối vùng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương vùng Đông Nam bộ đánh giá cao kết quả sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị; khẳng định việc phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để các địa phương trong vùng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần phát triển KT-XH của từng địa phương và sự phát triển của vùng, quốc gia. Các đại biểu cũng thảo luận về việc triển khai một số dự án lớn trên địa bàn và đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá vùng Đông Nam Bộ, trong đó hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP cả vùng Đông Nam bộ ước đạt 5,06%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước (5,05%); cơ cấu kinh tế GRDP của vùng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. GRDP bình quân đầu người của vùng cao nhất so với các vùng trong cả nước (đạt 166 triệu đồng), trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đạt cao nhất cả nước là 331,3 triệu đồng.
Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, có 4/6 địa phương trong Vùng thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Công nghiệp và thương mại có vai trò quan trọng và là động lực phát triển kinh tế của Vùng thời gian qua.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của vùng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ khẳng định 5 kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị. Trước hết là tinh thần đổi mới tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận, tổ chức thực hiện nghị quyết; nhanh chóng hình thành hội đồng điều phối vùng, quy chế hoạt động, tổ chức các cuộc họp bàn các nội dung rất đúng và trúng với tình hình thực tế; hoàn thiện cơ sở pháp lý, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và triển khai các quy hoạch của các địa phương trong vùng (đã đạt 50%).
Thủ tướng khẳng định, vùng Đông Nam bộ có đóng góp rất quan trọng đối với cả nước và biểu dương khát vọng, tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới của các tỉnh, thành trong vùng. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn còn hạn chế so với tiềm năng và tính liên kết liên vùng chưa cao, còn nhiều “điểm nghẽn” cần giải quyết.
Chỉ đạo định hướng phát triển trong thời gian tới của vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 từ khoá: “Tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả”. 5 từ khoá này phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện với 3 đột phá chiến lược về đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng và đặc biệt là thể chế.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu thảo luận.
Nguồn lực thực hiện bao gồm cả Trung ương, địa phương, xã hội, FDI, hợp tác công tư, bằng các cơ chế đổi mới; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội để phát triển. Định hướng này cũng đã được bao quát trong nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ và trong Quy hoạch vùng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương của vùng Đông Nam bộ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính tuân thủ đồng bộ của Quy hoạch; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới để kiên định mục tiêu chiến lược lâu dài và linh hoạt trong tổ chức thực hiện; bám sát nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp; luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể, động lực cho sự phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả điều phối, liên kết vùng, cần xây dựng thể chế liên kết vùng, xây dựng bộ máy điều phối vùng có sự phân công, phối hợp tốt, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai dự án động lực của vùng như khu thương mại Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), trung tâm tài chính quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh), dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.
Thủ tướng tin tưởng rằng, Đông Nam Bộ là thành đồng của Tổ quốc trong chiến tranh thì nay sẽ là thành đồng của Tổ quốc trong phát triển KT-XH.
Phương Thuý - Tâm Giang
Nguồn BTNO
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn
Ý kiến bạn đọc