UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (Digital Transformation Index-DTI) của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020, chỉ số Phát triển doanh nghiệp công nghệ số của Tây Ninh đạt tỷ lệ rất thấp, trong đó các tỷ lệ: doanh nghiệp CNTT, viễn thông (ICT), doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành khác có ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới chỉ đạt 2,79%. Tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trong các ngành khác chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số là 0%.
Kế hoạch hướng đến mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó có 3 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số để phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số, trong đó có 5 doanh nghiệp công nghệ số có khả năng cung cấp giải pháp, dịch vụ, sản phẩm số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh chú trọng phát triển hạ tầng số. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai cung cấp dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh; thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh, các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu của Chính phủ, bộ, ngành; triển khai, duy trì kết nối, tích hợp dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Quan tâm phát triển nhân lực công nghệ số. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu lồng ghép các chương trình học, môn học: STEM, Khoa học máy tính, Sáng tạo dựa trên công nghệ, khởi nghiệp công nghệ… vào chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học; hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp công nghệ số, năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghệ số…
Trao đổi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các giải pháp sản phẩm, phần mềm chuyển đổi số tại Tây Ninh và các địa phương để tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh phát triển, hoàn thiện các sản phẩm công nghệ số có tính cạnh tranh, có khả năng triển khai ở các tỉnh, thành phố trong khu vực; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh tham gia các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh để tạo ra các sản phẩm công nghệ số theo nhu cầu thực tế của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh làm thủ tục công bố sản phẩm, dịch vụ của mình trong danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước được ưu tiên đầu tư, mua sắm trong cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, tỉnh phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số thông qua việc tổ chức diễn đàn về phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước tham gia để thu hút về đầu tư, kinh doanh tại Tây Ninh; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh tận dụng tối đa Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để tăng cường đầu tư cho ứng dụng và đổi mới công nghệ. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh tham gia triển khai các đề tài, dự án về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số của tỉnh.
Đông Nguyên
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc