Chiều ngày 4/11, tại Cà Mau, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng báo chí địa phương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau điều hành tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại diện Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Các đại biểu tham dự tọa đàm.
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, lan tỏa và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị - kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến", “tự chuyển hóa" trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị… Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trung tá Phan Đăng Trường, Phó Tổng Biên tập Báo CAND đã có bài tham luận vời chủ đề “ Tổ chức mảng bài viết chống diễn biến hòa bình, phương pháp để thực hiện bài viết hay, thu hút người đọc". Theo Trung tá Phan Đăng Trường; để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, các bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương cần huy động lực lượng rộng rãi trong các cơ quan nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học, báo chí, truyền thông… chủ động tiến công phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Đại tá – Thạc sĩ Đỗ Phú Thọ, Chuyên gia Ban chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo QĐND, chia sẻ xung quanh vấn đề làm thế nào để các địa phương có tác phẩm báo chí hay về đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ? Theo Đại tá Đỗ Phú Thọ, thời gian qua, các nhà báo, nhất là các nhà báo ở địa phương ngại sáng tạo tác phẩm báo chí bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vì: Nội dung “khô", cách thể hiện tác phẩm “khó".
Theo nhà báo để có một tác phẩm báo chí về đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hay, hấp dẫn thì nội dung của tác phẩm này phải bảo đảm tính Đảng và tính “đúng". Về hình thức phải “đủ" và “đẹp". Còn trong quá trình tác nghiệp thì phải “đi" “đến" “đọc" “đánh. Bên cạnh việc cổ vũ những mặt tích cực, những việc làm được, người làm báo cũng cần luôn sẵn sàng cho việc “đánh" vào những yếu kém, những việc chưa làm được ở từng cấp ủy, tránh một chiều trong tuyên truyền về xây dựng Đảng. Để các bài “đánh" hiệu quả, người làm báo cần phải có dũng khí, dám hy sinh vì lẽ phải.
Tham luận tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tây Ninh Nguyễn Thế Lực cho rằng; Mỗi tờ báo phải có một, hai cây bút chính luận. Để làm được điều đó hơn ai hết Ban biên tập, Ban giám đốc của các cơ quan báo chí phải biết chọn lựa phóng viên có đủ năng lực, có tố chất viết chính luận để định hướng, bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ cũng như chỉ tiêu phù hợp. Phải nhìn nhận khách quan rằng không phải cứ học, bồi dưỡng nhiều thì sẽ viết chính luận hay mà đòi hỏi phóng viên đó ngoài việc có vốn kiến thức sâu rộng, có sự nhạy bén chính trị thì cũng phải có chút năng khiếu bẩm sinh với đề tài chính luận.
Theo Phó Chủ tich Hội Nhà báo Cà Mau Nguyễn Chiến; hiện nay trên Internet và mạng xã hội vẫn thường xuyên xuất hiện những tin giả, độc, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử… mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực phản bác, gỡ bỏ nhưng những quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước... vẫn còn xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều, mức độ ngày càng tăng cao, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực và hậu quả khó lường, làm tổn hại đến quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Các tham luận tại tọa đàm đã góp phần làm rõ một số vấn đề như: vai trò của báo chí, truyền thông trong việc nhận diện đúng đối tượng, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và phản bác những quan điểm sai trái, góp phần định hướng dư luận, bảo vệ Đảng và Nhà nước; hoạt động thực tế, yêu cầu đặt ra trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đối với báo chí địa phương hiện nay; chia sẻ những bài học kinh nghiệm, giải pháp thiết thực giúp nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền trên báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Tọa đàm là dịp để các đại biểu cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, cách làm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tìm giải pháp cụ thể, khả thi để giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình.
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc