Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khoá X.
Kết quả sắp xếp lại, xử lý nhà, đất công đạt thấp, gây lãng phí
Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở Tài chính trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý tang vật phương tiện vi phạm bị tịch thu.
Thông tin về công tác quản lý, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ, ông Trịnh Ngọc Phương cho biết, tổng số cơ sở nhà, đất là tài sản công thuộc diện xử lý là 260 cơ sở.
Trong đó, số cơ sở nhà đất điều chuyển là 151 (tuyến tỉnh 23 cơ sở, tuyến huyện 128 cơ sở); số cơ sở nhà đất chuyển giao là 19 (tuyến tỉnh); số cơ sở nhà đất thu hồi là 16 (tuyến tỉnh 5, tuyến huyện 11). Số cơ sở nhà đất bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 74 (tuyến tỉnh 6, tuyến huyện 68).
Kết quả đến nay đã điều chuyển 24/151 cơ sở, đạt 15,89% (trong đó, tuyến tỉnh 5 cơ sở, tuyến huyện 19 cơ sở); chuyển giao 9 cơ sở (tuyến tỉnh) đạt 47,37%; thu hồi chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý 5 cơ sở tuyến tỉnh, đạt 100%.
UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý 2 trụ sở dôi dư gồm trụ sở Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ (cũ) điều chuyển cho Sở Y tế tạm quản lý và trụ sở Đảng uỷ Khối cơ quan tỉnh (cũ) điều chuyển cho Sở Ngoại vụ.
Chất vấn Giám đốc Sở Tài chính, đại biểu Phạm Mạnh Hiếu cho rằng kết quả sắp xếp, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167 và nghị định số 67 của Chính phủ còn chậm, kết quả đạt thấp, một số công trình xuống cấp nặng gây lãng phí; đề nghị Giám đốc Sở Tài chính nêu nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời nội dung trên, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Ngọc Phương cho biết, công tác sắp xếp, xử lý nhà, đất gặp khó khăn, vướng mắc do thủ tục thực hiện theo quy định vẫn còn nhiều bất cập, liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; thời gian thực hiện thủ tục kéo dài; một số trụ sở nhà, đất trước đây là đất xây dựng trường học, nay phương án phê duyệt bán đất ở, do vậy phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tại một số đơn vị, lãnh đạo đơn vị, công chức tài chính - kế toán thường xuyên luân chuyển, điều động nên nội dung về bàn giao tài sản chưa được quan tâm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà của đơn vị chưa được cấp, gây khó khăn, mất thời gian trong hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị điều chuyển, chuyển giao. Nhiều trụ sở nhà, đất có thông tin liên quan bị thay đổi, hoặc sai thông tin do sáp nhập, giải thể; số liệu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với hiện trạng thực tế sử dụng nên mất nhiều thời gian xác minh, cập nhật hoàn chỉnh hồ sơ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Thành Nhàn về tình trạng một số cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã có trụ sở mới nhưng trụ sở cũ chưa được xử lý, ông Trịnh Ngọc Phương đã thông tin cụ thể kết quả xử lý đối với từng trụ sở của các ngành Toà án, Liên đoàn Lao động, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… trên địa bàn tỉnh.
Cơ chế phối hợp xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu
Đối với công tác quản lý và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, tính đến ngày 25.11, Sở Tài chính đã có ý kiến trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 6 phương án xử lý tài sản.
Chất vấn Giám đốc Sở Tài chính nội dung này, đại biểu Nguyễn Tiến Hưng cho rằng, hiện nay, các phương tiện giao thông vi phạm lưu trữ lâu ngày tại trụ sở UBND xã gây mất mỹ quan, tài sản để lâu không có người nhận bị hư hỏng… Đại biểu đề nghị giám đốc Sở Tài chính cho biết giải pháp và lộ trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên?
Giám đốc Sở Tài chính cho biết, quy trình xử lý tang vật vi phạm rất phức tạp và phải bán nguyên lô, cơ quan Tài chính chỉ tham gia vào một khâu là duyệt phương án xử lý.
Đại tá Nguyễn Văn Trãi– Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Tham gia trả lời nội dung này, Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh thông tin về quy trình xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và hiện đang vướng ở nội dung chưa xác định rõ thẩm quyền xử lý thuộc UBND hay ngành Công an, nội dung này đang được kiến nghị Bộ Tài chính để sớm tháo gỡ.
Giám đốc Công an tỉnh cho biết thêm, một số khó khăn trong quy trình xử lý tang vật vi phạm, nhất là những tài sản chưa xác định rõ chủ sở hữu; tình trạng tang vật vi phạm có giá trị nhỏ hơn tiền phạt dẫn đến chủ sở hữu không đến nhận tài sản; khó khăn trong công tác giám định…
"Trong thời gian tới, Công an tỉnh phối hợp Sở Tài chính có kiến nghị cụ thể để Chính Phủ điều chỉnh phù hợp, phân cấp cho địa phương xử lý trong từng trường hợp cụ thể"- Đại tá Nguyễn Văn Trãi thông tin.
Tại phiên chất vấn, tham gia giải trình còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trần Anh Minh. Theo đó, nội dung giải trình nhằm làm rõ hơn công tác xử lý tài sản công, tang vật vi phạm và nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư công; trong đó có việc xác định công năng dôi dư các thiết chế văn hoá, thể thao để lập đề án cho thuê ngoài.
Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, khó xử lý
Đây là một trong những nội dung nổi cộm xảy ra nhiều trong những năm gần đây. Tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thường sử dụng phương thức giả danh Công an, Viện Kiểm sát, Toà án hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông báo số CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của người dân liên quan đến tội phạm; kết bạn qua mạng xã hội dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các hội, nhóm kín trên mạng xã hội để hướng dẫn lừa đảo nạn nhân…
Trong kỳ, Công an tỉnh tiếp nhận 63 tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với tổng thiệt hại số tiền hơn 61,5 tỷ đồng, đã điều tra làm rõ 7 vụ/20 đối tượng.
Trả lời chất vấn tại kỳ họp, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Trãi cho biết, đây là tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ, hoạt động suốt ngày đêm, đối tượng triệt để lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội, che giấu thông tin cá nhân, dấu vết phạm tội; sử dụng các ứng dụng có độ bảo mật cao, mã hoá dữ liệu để liên lạc; sử dụng giấy tờ giả mạo để lập tài khoản ngân hàng… khiến việc điều tra, xác minh thông tin gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Công an tỉnh đã thành lập Phòng An ninh mạng để chủ động đấu tranh với loại tội phạm mới này; phối hợp các nhà mạng để truy tìm các đối tượng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả thiệt hại xảy ra liên quan đến tội phạm công nghệ cao, Đại tá Nguyễn Văn Trãi cho biết, Ban Giám đốc Công an tỉnh đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, lực lượng Công an tiếp tục cập nhật phương thức thủ đoạn; tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác và thực hiện 4 “không”: không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoá và “2 phải”: phải thường xuyên cảnh giác, phải liên hệ Công an khi có nghi ngờ.
Ngành Công an đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử cho công dân và làm tốt công tác đấu tranh, xử lý các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao. Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, triệt để, nhanh chóng, đúng pháp luật, đưa ra xét xử công khai các vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa; kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát vấn nạn sim rác...
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận chỉ đạo từng nhóm vấn đề được chất vấn tại kỳ họp
Đối với mỗi nhóm vấn đề chất vấn, Chủ toạ kỳ họp kết luận, chỉ đạo để UBND tỉnh, Sở Tài chính, Công an tỉnh và các ngành liên quan khắc phục tồn tại, hạn chế, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu; đấu tranh, trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, trong đó có tội phạm công nghệ cao.
Phương Thuý - Tâm Giang
Nguồn BTNO
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn
Ý kiến bạn đọc