UBND tỉnh vừa có báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) gửi các Bộ và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa thành phố Tây Ninh. Ảnh minh hoạ
Để triển khai xây dựng Đề án “Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính", theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, UBND cấp tỉnh phải rà soát các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ; cấp tỉnh, cấp huyện.
Mục tiêu đề xuất phân cấp ít nhất là 20% TTHC và địa phương phải hoàn thành công việc này trước ngày 15/11/2021. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Đề án này, đó là: “Đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực".
Kết quả của việc phân cấp mạnh mẽ, quyết liệt, sát thực tế trong giải quyết TTHC sẽ tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần rất lớn vào việc thực hiện thành công các mục tiêu CCHC của giai đoạn 2021-2030 mà Chính phủ đã đề ra.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số TTHC Tây Ninh phải đưa vào rà soát thực tế là 2.491 thủ tục. Tính đến 30/10, toàn bộ các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổng hợp xong các phương án đề xuất phân cấp TTHC của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Nhiều cơ quan, đơn vị địa phương đã đề xuất vượt chỉ tiêu tối thiểu 20% mà Thủ tướng Chính phủ giao, điển hình như thành phố Tây Ninh, Bến Cầu, Trảng Bàng, sở Xây dựng, Tư pháp, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương...
Tổng hợp chung toàn tỉnh kiến nghị phân cấp được 632 TTHC/2.491 TTHC tương ứng với tỷ lệ là 25,37% (vượt 5,37% so với chỉ tiêu mà Thủ tướng giao cho tỉnh). Như vậy, Tây Ninh đã hoàn thành trước thời hạn và vượt chỉ tiêu đối với Đề án phân cấp trong giải quyết TTHC.
Toàn bộ kết quả Đề án này ở địa phương đang được các sở, ban ngành tỉnh thực hiện rà soát bằng việc điền các biểu mẫu điện tử và phụ lục các danh mục TTHC kèm theo (bao gồm cả các TTHC do UBND cấp huyện đề xuất phân cấp) trên hệ thống báo cáo điện tử của Văn phòng Chính phủ để gửi cho các bộ và Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt Đề án thực hiện từ quý I.2022.
Phương Thuý
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc