Phối hợp hành động thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới”

Thứ năm - 14/10/2021 04:00 71 0

​  Chiều 13/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự, chủ trì Hội thảo “Phát triển địa phương: Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương".


 Chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới (Ảnh: HNV)

Đồng chủ trì Hội thảo với Thủ tướng có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức; được kết nối trực tuyến giữa điểm cầu Hà Nội với đầu cầu 63 Tỉnh ủy, Thành ủy trong cả nước.

Dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; các Đại sứ, Trưởng đại diện các tổ chức, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam; đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học. Dự tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các địa phương chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong trạng thái “bình thường mới".

GS. TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khi Việt Nam phải đối mặt với những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19 trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Đối với Việt Nam, đặc trưng nổi bật của cú sốc kinh tế do đại dịch lần này là sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị do đột ngột ngưng cung lao động; đứt gãy trong khâu vận chuyển, vận tải và hệ thống logistics; đứt gãy trong khu vực dịch vụ cần tiếp xúc trực tiếp.

“Do vậy, khắc phục và giảm thiểu đứt gãy liên kết là vấn đề quan trọng để nền kinh tế không bị lỡ nhịp phát triển hiện nay. Mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này là cần đưa người lao động trở lại nhà máy, đưa hàng xuất khẩu đến thị trường quốc tế, đưa hàng hoá và nông sản đến tay người tiêu dùng trong nước, phục hồi các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng. Trong khi lại đòi hỏi tất cả đều phải bảo đảm diễn ra an toàn nhất, với chi phí giao dịch thấp nhất có thể, trong một lộ trình phù hợp. Đó cũng chính là chìa khoá để thực hiện sự chuyển hướng từ chiến lược “không COVID-19" sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" – GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Song song với đó, các giải pháp đề ra cần bảo đảm thống nhất một số nguyên tắc xuyên suốt như: Bảo đảm tính toàn diện cả về y tế, kinh tế và xã hội; bảo đảm tính đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành ở Trung ương, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương; giữa doanh nghiệp, người lao động, người dân và chính quyền các cấp.

Trên cơ sở đó, các địa phương có thể phải làm hai việc: ưu tiên cân đối ngân sách địa phương đối ứng với ngân sách Trung ương dành cho các gói hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường áp dụng công nghệ số để nâng cao tính minh bạch, tránh hỗ trợ trùng lặp, cắt giảm chi phí giao dịch, dễ dàng thực hiện hậu kiểm…


Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội thảo (Ảnh: TTXVN) 

Phát biểu tại Hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Theo đó, quan điểm của Chính phủ là bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Để kiểm soát được dịch bệnh trong điều kiện không đủ vắc-xin, chúng ta phải tiếp tục thực hiện 5K, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao ý thức, vai trò của người dân trong phòng chống dịch. Phải tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát tử vong, tăng cường y tế cơ sở, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất với y tế cơ sở...

Người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn cho rằng, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Để khôi phục kinh tế thì chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần nghiên cứu thay đổi phù hợp, hiệu quả.

"Khôi phục nền kinh tế cần tập trung xây dựng khôi phục thị trường lao động, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, mở rộng thị trường, thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương... Chính phủ và địa phương cần ngồi lại cùng với doanh nghiệp tìm giải pháp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" - Thủ tướng Chính phủ nói.

Cũng theo Thủ tướng, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm đó là thực hiện tốt an sinh xã hội có trọng tâm trọng điểm trên nguyên tắc “không ai thiếu ăn thiếu mặc, không để sót đối tượng được thụ hưởng chính sách". Cùng với đó phải kiểm soát tốt an ninh, an toàn, an dân để ổn định chính trị. Phát huy đại đoàn kết dân tộc để biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội. Đó là cơ hội để cải cách hành chính, chuyển đổi số, xanh hóa nền kinh tế, chống biến đổi khí hậu...


 ​Quang cảnh Hội thảo từ điểm cầu tại Hà Nội (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã thông tin nhanh về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm, định hướng mục tiêu của chương trình đó là phục hồi kinh tế-xã hội trên cơ sở thực hiện hiệu quả với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh COVID-19"; góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Về đối tượng, phạm vi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc tập trung vào các chính sách có thể được triển khai thực hiện ngay từ năm 2022; gắn kết chặt chẽ với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, các kế hoạch 5 năm về phát triển KTXH, tài chính công, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực...

Chương trình tiếp cận cả về phía cung, phía cầu và các khâu kết nối; bao gồm các giải pháp về y tế, kinh tế, xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động sớm vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Thời gian thực hiện trong hai năm 2022-2023, đủ dài để tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cho biết, Chương trình dự kiến bao gồm 6 chương trình thành phần và 2 nhóm giải pháp về quản trị rủi ro, thông tin và truyền thông.

Tại Hội thảo, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm, những mô hình vừa bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả; vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khắc phục các đứt gãy kinh tế, tăng cường phối hợp hành động nhằm thực thi thắng lợi "mục tiêu kép" trong trạng thái “bình thường mới". Nhiều kinh nghiệm về đảm bảo năng lực y tế, đảm bảo an sinh xã hội, sự phối hợp giữa các địa phương... đã được các đại biểu trao đổi. 

Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam đã có nhiều ý kiến thể hiện sự lạc quan vào tương lai phát triển của Việt Nam, với các giải pháp mà Việt Nam đã và đang thực hiện, nhất là khi các cân đối lớn, vĩ mô, chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn đảm bảo. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ đồng tình và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả cao phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19 như: tiếp tục đẩy mạnh chiến lược vaccine; động viên nhân dân tiếp tục thực hiện 5K và các giải pháp phòng, chống dịch khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm yếu thế; đảm bảo lưu thông, di chuyển thông suốt, an toàn; kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy đầu tư công; đẩy mạnh chuyển đổi số... Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến việc các chính sách phải được xây dựng, thực thi nhất quán, thống nhất từ Trung ương tới địa phương./.

 

Lê Anh

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay9,574
  • Tháng hiện tại149,489
  • Tổng lượt truy cập7,947,397
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây