Thường xuyên sát khuẩn tay để bảo đảm an toàn. Ảnh: Phương Thảo
Dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài trong thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và nền kinh tế nước ta nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tỉnh Tây Ninh ban hành Kế hoạch số 3676/KH-UBND, ngày 21/10/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trên địa bàn tỉnh với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát trở lại vượt tầm kiểm soát, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng “bình thường mới”.
Kết quả đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 28/10/2021, Tây Ninh đang ở cấp độ 2- nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng. 8/9 huyện, thị xã, thành phố ở cấp độ 1- nguy cơ thấp (bình thường mới), tương ứng với màu xanh; 1/9 huyện cấp độ 2. Có 75/94 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 16/94 cấp độ 2 và 3/94 cấp độ 3 (nguy cơ cao, tương ứng với màu cam).
“Bình thường mới” không có nghĩa là đã hết hẳn COVID-19 mà đó là trạng thái thích ứng an toàn khi “sống chung với dịch bệnh”. Nghĩa là các hoạt động trong đời sống và sản xuất không thể bình thường như trước kia mà phải gắn liền với những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Việc thực hiện “5K” (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) đã, đang và sẽ vẫn là biện pháp cần phải duy trì thực hiện tự giác, nghiêm túc, thường xuyên trong trạng thái “bình thường mới”.
Khi tỉnh Tây Ninh triển khai phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái mới, người dân rất phấn khởi, tin tưởng lãnh đạo tỉnh có các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có bộ phận người dân chưa hiểu rõ trạng thái “bình thường mới”, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch. Một số người có tâm lý an tâm vì đã tiêm vaccine phòng COVID-19, hoặc đã qua vài lần xét nghiệm COVID-19 âm tính nên nghĩ mình không thể nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày đã dần trở lại bình thường, các chốt kiểm dịch đã được tháo dỡ, không còn phải xuất trình giấy đi đường, giấy đi chợ, kết quả xét nghiệm; nhiều hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh, dịch vụ đã được phép mở lại… khiến một bộ phận người dân đã nảy sinh tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc phòng, chống dịch COVID-19 cho bản thân và cộng đồng. Nếu trong lúc này, chúng ta chủ quan, lơ là, nguy cơ bùng phát dịch trở lại sẽ rất lớn.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn Tây Ninh tiếp tục tăng. Chỉ tính từ ngày thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP đến ngày 03/11, Tây Ninh ghi nhận thêm 3.411 ca mắc, đặc biệt, có ngày ghi nhận số ca mắc lên đến 369 ca (trong đó test dương sàng lọc là 360 ca).
Việc tiêm vaccine là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. Mặc dù tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm vaccine trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhưng vẫn chưa đạt độ bao phủ toàn dân. Đồng thời, cũng như các loại vaccine khác, không vaccine phòng COVID-19 nào có tác dụng bảo vệ 100% trước virus SARS-CoV-2.
Có nghĩa là, vẫn có một tỷ lệ nhất định người đã được tiêm đủ 2 mũi có thể bị mắc COVID-19. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là giúp bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong, bao gồm các biến thể của virus gây bệnh hiện đang lưu hành.
Chính vì vậy, dù người được tiêm đủ cả 2 mũi vaccine vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm- nhất là các biện pháp 5K của Bộ Y tế để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.
Quyết tâm không để dịch bùng phát, giữ vững thành quả phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” an toàn, mỗi người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay.
Ý thức của mỗi người dân là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức “chống dịch như chống giặc” theo tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế và tiêm vaccine phòng COVID-19 khi tới lượt; chung tay, góp sức giữ vững thành quả chống dịch, tiến tới đẩy lùi đại dịch.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy