Ngoại giao vaccine tại Đông Nam Á đã bước vào giai đoạn mới, với hãng dược của Mỹ và Trung Quốc bắt đầu chia sẻ công nghệ để các nước trong khu vực tự sản xuất vaccine.
Trên phương diện hợp tác chuyển giao công nghệ, Trung Quốc tập trung đặc biệt vào Indonesia, quốc gia với nền kinh tế và số dân lớn nhất Đông Nam Á. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng bày tỏ hy vọng Indonesia sẽ trở thành trung tâm sản xuất vaccine của khu vực.
Đông Nam Á đang phải phụ thuộc vào vaccine do các nước ngoài khu vực sản xuất. Ảnh: Boston Herald.
Với hỗ trợ kỹ thuật từ hãng dược Trung Quốc Walvax Biotechnology, Etana Biotechnologies của Indonesia sẽ bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 dùng công nghệ mRNA từ tháng 7/2022, Bộ trưởng điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia thông báo vào tháng 8.
Etana đang thử nghiệm giai đoạn 3 và có kế hoạch sản xuất 70 triệu liều vaccine mỗi năm.
Mỹ cũng đang nỗ lực trợ giúp các đối tác trong khu vực trên phương diện chuyển giao công nghệ. Hãng Dynavax Techonologies có trụ sở tại Mỹ tuần trước ký biên bản ghi nhớ về phát triển vaccine với hãng dược nhà nước Bio Farma của Indonesia. Thỏa thuận sẽ cho phép hai công ty cùng phát triển vaccine ngừa COVID-19 dùng protein tái tổ hợp, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói.
Arkturus Therapeutics của Mỹ cũng đang chuẩn bị hợp tác với Vingroup của Việt Nam để sản xuất vaccine mRNA. Hãng dược Mỹ dự định bắt đầu sản xuất tại nhà máy mới ở Hà Nội vào đầu năm 2022, với công suất lên tới 200 triệu liều mỗi năm.
Ngoài Trung Quốc và Mỹ, hãng Shionogi của Nhật Bản cũng đang tìm kiếm cơ hội thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác. Shionogi đang cố gắng chuyển giao công nghệ cho các thị trường này.
Siam Bioscience, hãng dược thuộc sở hữu của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, bắt đầu sản xuất vaccine AstraZeneca từ tháng 6.
Khoảng nửa số vaccine ngừa COVID-19 tại Thái Lan được điều chế tại Trung Quốc. Chính phủ Thái Lan đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để chuẩn bị cho việc tiêm kết hợp.
Nguồn Zing
Ý kiến bạn đọc