Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận nội dung thảo luận liên quan hai Nghị quyết về Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Qua phần thảo luận tổ, đã có 10 đại biểu phát biểu với 30 ý kiến. Trong đó, lãnh đạo UBND tỉnh và các cơ quan tham mưu trình Nghị quyết và các sở, ngành liên quan đã giải trình 18 ý kiến, ghi nhận 12 ý kiến.
Tại phiên thảo luận tổ, Nghị quyết quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và một số chế độ chính sách, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến.
Theo đó, đại biểu đề nghị thống nhất quy trình ban hành Đề án trước hay ban hành Nghị quyết về tiêu chí thành lập trước. Tại khoản 3, Điều 8, đề nghị ghi cụ thể thực hiện nội dung chi, mức chi theo Nghị quyết số 37/2016/NQ-HĐND. Tại Khoản 2, Điều 4 chỉ quy định thẩm quyền đối với Chủ tịch UBND cấp xã hoặc công an cấp xã vì công an cấp huyện không có thẩm quyền huy động lực lượng.
Cũng tại Khoản 2 Điều 4 ghi: “….trường hợp thật sự cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp huyện quyết định huy động cao hơn số ngày nêu trên)”, đại biểu đặt vấn đề “cấp nào huy động thì cấp đó trả tiền, vì vậy khi Trưởng Công an cấp huyện huy động thì ngân sách thực hiện như thế nào?”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tiếp thu, giải trình đề nghị của đại biểu về chính sách hỗ trợ đối tượng dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đại biểu đề nghị cân nhắc khi quy định “hỗ trợ không quá 10 ngày/người/tháng” vì đối với những địa bàn trọng điểm có thể làm nhiệm vụ hơn 10 ngày.
Đại biểu đề nghị cơ quan trình dự thảo Nghị quyết trao đổi làm rõ kinh phí bảo đảm thực hiện Nghị quyết; đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ cho đối tượng dôi dư sau khi thành lập Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Các nội dung đại biểu thảo luận được lãnh đạo UBND tỉnh, Công an tỉnh và các sở ngành liên quan tiếp thu, trả lời làm rõ tại phiên thảo luận.
Đối với nội dung đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với đối tượng dôi dư sau khi thành lập Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở, Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tiếp thu ý kiến đại biểu, tuy nhiên nội dung này không ghi trong Nghị quyết trình tại kỳ họp này. Bởi đây là chính sách đặc thù, cần có đánh giá, nghiên cứu kỹ. Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tham vấn ý kiến của Bộ Công an và tham khảo cách làm của các địa phương khác trên cả nước, đồng thời căn cứ vào nguồn lực của tỉnh để tham mưu tỉnh nghiên cứu chính sách đặc thù.
Kết luận nội dung trên, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm - Chủ toạ kỳ họp thống nhất không đưa nội dung này vào Nghị quyết phê duyệt Đề án mà ghi vào biên bản phiên họp; giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, đánh giá, đề xuất chính sách trong thời gian tới.
Đại biểu Kim Thị Hạnh phát biểu thảo luận tổ.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm khẳng định: “Đối tượng dôi dư sau khi sắp xếp kiện toàn Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở không phải là đối tượng bắt buộc phải có chính sách giải quyết sau khi nghỉ việc. Đây là chính sách đặc thù và cần có nghiên cứu, phân tích trên cơ sở cân đối nguồn lực của tỉnh và cần giải quyết đồng bộ với các đối tượng liên quan khác”.
Trên cơ sở thảo luận, thống nhất, HĐND tỉnh khoá X biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định về tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và một số chế độ chính sách, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và Nghị quyết phê duyệt Đề án xây dựng, bố trí lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Phương Thuý
Nguồn BTNO
Tác giả: Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy, Dẫn nguồn
Ý kiến bạn đọc