Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV đang diễn ra theo đúng chương trình, nội dung đã đề ra với hình thức họp trực tuyến trong đợt 1 từ ngày 20/10 đến 30/10. Phóng viên Báo Tây Ninh phỏng vấn nhanh thành viên Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh về những vấn đề được Đoàn và các ĐBQH phản ánh trong chương trình kỳ họp.
ĐBQH Phạm Hùng Thái-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh.
ĐBQH Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh cho biết:
Theo chương trình nội dung Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đặc biệt quan tâm các nội dung liên quan đến các báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH năm 2021, kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, nhất là các giải pháp để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trong giai đoạn này, cử tri, người dân, doanh nghiệp rất quan tâm và mong chờ các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong hoạt động SXKD của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các chính sách hỗ trợ người dân, kể cả nông dân trong hoạt động tái sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động giao thương, cung ứng hàng hoá bị ảnh hưởng nặng nề. Tại kỳ họp này, ĐBQH sẽ kiến nghị Chính phủ có những giải pháp hiệu quả hơn trong kết nối chuỗi cung ứng, quan tâm vấn đề đầu ra cho hoạt động SXKD của doanh nghiệp, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng như của tỉnh.
Vừa rồi Chính phủ kịp thời triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các đối tượng bị tác động ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 rất kịp thời, chia sẻ, động viên và giải quyết phần nào những khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, việc ban hành chính sách cũng có những điểm chưa rõ, dẫn đến thực hiện chưa thống nhất giữa các địa phương, khiến nhiều đối tượng chưa tiếp cận được hoặc chậm được hỗ trợ. Đây cũng là một trong những nội dung sẽ được Đoàn phản ánh, góp ý để Chính phủ sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho phù hợp.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh:
Đối với vấn đề khôi phục KTXH sau đại dịch Covid-19, trước mắt là những tháng cuối năm 2021, Chính phủ cần có những giải pháp để đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19 cho toàn dân, có chính sách tài khoá, tiền tệ và các gói hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, gắn kết lại chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Mặc dù rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp để sớm ổn định tình hình dịch bệnh, khắc phục khó khăn, sớm phục hồi nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Một vấn đề xã hội rất đang lưu tâm đó là đại dịch COVID-19 khiến hàng ngàn trẻ em mồ côi. Đại biểu kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm có thống kê các số liệu cụ thể để đề xuất các cơ chế hỗ trợ riêng cho các em trong diện này mang tính dài hơi, có thể hỗ trợ đến năm 18 tuổi, bảo đảm các quyền của trẻ em.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương - Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu:
Đại dịch COVID-19 tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến các hoạt động đời sống, KTXH. Qua các đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, các giải pháp để khôi phục các hoạt động đời sống xã hội, SXKD là những vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương - Bí thư Huyện uỷ Gò Dầu.
Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động SXKD nói chung và nông nghiệp nói riêng gặp nhiều khó khăn do giá cả vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp tăng cao dẫn đến chi phí đầu tư cao, trong khi đó sản phẩm không tiêu thụ được.
Cử tri kiến nghị kiểm soát đầu vào giá cả vật tư nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Cử tri lo lắng dịch vẫn chưa được kiểm soát một cách tốt nhất, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng cao, nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Người dân mong chính phủ sớm bảo đảm tăng độ phủ vaccine trong cộng đồng, bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Cử tri có nhiều băn khoăn khi trở lại hoạt động “bình thường mới" sẽ khác với “bình thường cũ" bởi nó cần có các điều kiện. Tuy nhiên do cách hiểu và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của trung ương ở các địa phương mỗi khác, dẫn đến việc kết nối thông thương giữa các tỉnh, thành, giữa các DN với nhau gặp khó khăn, DN chưa thể trở lại hoạt động bảo đảm 100% công suất. Đoàn kiến nghị để Chính phủ quan tâm tháo gỡ, triển khai thống nhất trong cả nước, xoá bỏ tình trạng cát cứ, chia cắt, mỗi địa phương làm một kiểu.
Về các vấn đề xã hội, Đoàn đã tổng hợp và nêu các kiến nghị của cử tri về hỗ trợ sinh kế cho người dân sau đại dịch; kiến nghị ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giá hiệu quả của việc dạy học trực tuyến.
Hải Đăng
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc