Mạng xã hội (MXH) phát triển và không hạn chế quyền tham gia của bất cứ thành viên nào, chỉ cần người sử dụng muốn dùng là họ có thể tham gia, từ Facebook đến các nền tảng khác và MXH không đơn thuần là việc đăng ảnh, nội dung hay video clip... với những câu chuyện vui vẻ, tầm phào liên quan đến cá nhân mà MXH còn là một kênh thông tin đa dạng, phong phú.
Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet
Tuy nhiên, việc sử dụng MXH trong cung cấp thông tin như thế nào, mức độ tin cậy của thông tin ra sao phụ thuộc nhiều vào các thông tin của người sử dụng. Facebook của bác sỹ thu hút bạn bè, người dùng Facebook xin tư vấn do họ tin vào những kiến thức chuyên môn về sức khoẻ, về thuốc của chủ nhân; Facebook của luật sư, giảng viên luật, thẩm phán thì người đọc tin cậy về việc phân tích pháp luật; facebook của nhà báo thu hút sự quan tâm bởi sự tin cậy của thông tin.
Thông tin được các nhà báo đưa lên trang cá nhân thường sẽ được người đọc tin tưởng chắc chắn rằng thông tin đó là thật và đã được kiểm chứng qua nhãn quan nghề nghiệp. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều nhà báo đã trở thành KOLs (viết tắt của Key Opinions Leaders, tức là những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng). Họ có lối viết duyên dáng, nguồn tin phong phú, thông tin nhanh chóng kịp thời khi bình luận hay đưa tin về các sự kiện chính trị - xã hội, thể thao và văn hóa. Khi đã xác lập được vị trí trên không gian mạng, các KOLs đã trở thành những nhân vật có thể tham gia các sự kiện quảng cáo, hoạt động từ thiện, điều này thực sự bổ ích và có lợi cho cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp ở nước ta, nhiều nhà báo đã tham gia đưa thông tin tích cực, góp phần cổ vũ, động viên người dân tham gia phòng, chống COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không ít thông tin do thiếu kiểm chứng, tìm hiểu kỹ trước khi đăng, dẫn tới hậu quả là nhà báo vô tình "tiếp tay" cho tin giả, tin sai sự thật. Đó là sự thêu dệt về người "ship" 27 hũ cốt của người nhiễm COVID cho người thân, và tối ngày 07/8 là câu chuyện bi lụy về một bác sỹ muốn cứu mạng ba mẹ con sản phụ đã rút máy thở của mẹ mình và dùng máy thở đấy để cứu sản phụ với hàng trăm lượt chia sẻ trong thời gian ngắn. Những thông tin được đưa ra từ Facebook những nhà báo ngay sau đó được xác định là tin giả, và cũng không lâu sau đó, nơi xuất phát nguồn tin gốc - một số Facebook "giả" tạo cũng lập tức bị khóa bởi thủ phạm đưa tin. Nhà báo hiển nhiên phải ẩn bài viết và đăng bài xin lỗi vì đã để cảm xúc lấn át lý trí.
Đương nhiên sau đó, là hàng trăm người khác buộc phải xin lỗi theo vì đã tin thông tin được đưa từ trang cá nhân của nhà báo nổi tiếng.
Những người buộc phải xin lỗi theo này, là những người cũng có tiếng tăm, có chuyên môn đối với công việc và có uy tín ngoài xã hội. Chắc chắn mỗi cá nhân ấy lại có hàng trăm, hàng ngàn bạn đọc khác tin tưởng mà chia sẻ. "Fake news" từ đó đã luồn lọt vào trong dân, gây hoang mang, nhiễu loạn tâm tư của nhiều người. Đây có thể xem như việc phá hoại từ bên trong một cách vô tình, từ chính những nhà báo chuyên nghiệp.
Rõ ràng, nhà báo, ngoài tuân thủ Luật báo chí, họ còn là công dân, phải tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội. Nếu người dân thường dùng MXH đưa tin sai, hậu quả có thể rất nhỏ, nhưng nhà báo đưa tin sai có thể hậu quả rất lớn.
Thực tế, câu chuyện nói trên, nhiều bác sỹ đang miệt mài cứu người trong bệnh viện phải trả lời nhiều câu hỏi của giới báo chí về sự việc có thật hay không? Nhiều cơ quan chức năng buộc phải vào cuộc để xác minh thông tin rất mất thời gian và công sức.
Mỗi nhà báo, trước khi gõ bàn phím Facebook, xin hãy chậm lại!
Trọng Đạt
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Ý kiến bạn đọc