KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG BÁO TÂY NINH (5/10/1946-5/10/2021) “Đi để trở về...”

Thứ hai - 04/10/2021 19:00 47 0

  ​May mắn theo chân đoàn làm phim, tôi có dịp tiếp xúc với các nhân vật- những con người là một phần của lịch sử tạo nên những năm tháng hào hùng, bất khuất của đội ngũ làm báo tỉnh nhà. Với tôi, đây thật sự là một chuyến "đi để trở về.


Ông Năm Choàng (bên trái) kể lại công việc của mình bên cạnh “nhà in" trong kháng chiến.


Nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống, Báo Tây Ninh phối hợp Công ty truyền thông Sai Gon New Media thực hiện bộ phim tài liệu về Báo Tây Ninh qua các thời kỳ. May mắn theo chân đoàn làm phim, tôi có dịp tiếp xúc với các nhân vật - những con người là một phần của lịch sử tạo nên những năm tháng hào hùng, bất khuất của đội ngũ làm báo tỉnh nhà. Với tôi, đây thật sự là một chuyến "đi để trở về"...

Chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Choàng tại ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu vào một ngày cuối tuần của tháng tư lịch sử. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Choàng là cán bộ phụ trách in ấn, một trong những công đoạn quan trọng để xuất bản Báo Dân Quyền (tiền thân của Báo Tây Ninh sau này). Đã hơn 90 tuổi đời, dáng vẻ chậm chạp do tuổi tác, nhưng khi hỏi về những công việc làm báo thời chiến, ông nói rõ, đầy đủ và mạch lạc. Với ông, những ký ức của năm tháng khó khăn nhưng tự hào nhất đã ăn sâu vào máu và tim mình.

Nghe ông kể về hành trình thiết kế khung in cho những bản tin tuyên truyền, việc đi Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) mua các nguyên vật liệu, cách lọt qua hàng loạt các chốt của địch mà không bị phát hiện... chúng tôi thêm thán phục.

Từng lát cắt của công việc, từng giai đoạn di chuyển của bộ phận nhà in đã tạo nên thước phim sống động của một thời kỳ gian lao mà anh dũng, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Chia tay ông với những câu chuyện dường như bất tận này, hẹn một dịp trở lại để có thể nghe, thấu hiểu nhiều hơn về lịch sử của tờ báo Đảng bộ tỉnh trong những năm chiến tranh khốc liệt nhưng oai hùng.

Qua lời kể của ông Trần Văn Hoàng (Mười Hoàng), cán bộ làm công tác phát hành báo thời kháng chiến, để đưa báo đến với Nhân dân, người làm công tác phát hành cũng phải gan dạ, dũng cảm. Trong điều kiện hết sức khó khăn thời kháng chiến, hàng loạt phương án, kế sách được vạch ra.

Một trong những phương án được thực hiện là xếp gọn tờ báo, gói lại như chiếc bánh in, gọn gàng, vuông vức, với trọng lượng tương đương, bên ngoài là nhãn mác, giấy kiếng đúng loại, đúng màu để qua mắt địch. Cứ thế, những “chiếc bánh in" này đi qua hàng loạt chốt kiểm tra của địch, kịp thời đến tay quần chúng và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.

Cũng có khi không phải là chiếc bánh in, mà là những thang thuốc bắc được quấn bằng lá chuối với hình thức tương tự, nhưng ruột của món hàng “bồi bổ sức khoẻ" là những tờ thông tin tuyên truyền của Báo Giải phóng (cũng là tiền thân của Báo Tây Ninh sau này).

Tôi và những người làm phim thêm nể phục khi chứng kiến ông Mười Hoàng thao tác lại những “món ăn" này. Tuổi cao, dáng vẻ chậm chạp theo thời gian nhưng khi tái hiện những nhiệm vụ của mình thuở nào, ông thực hiện khá thuần thục, cho ra đời những "chiếc bánh in, thang thuốc bắc" đẹp mắt của ngày xưa. Từng động tác, thứ tự sắp xếp vẫn rất nhuần nhuyễn như ông đang thực hiện công việc được giao của năm xưa, làm chúng tôi thêm nể phục và kính trọng.

Với nhà báo lão thành Võ Hữu Thành, chúng tôi được nghe thêm về những năm tháng sống, chiến đấu với vai trò chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Mỗi lần hồi tưởng về nghề, nhà báo Võ Hữu Thành như sống lại với các ký ức ấy.

Những lần xung trận, theo chân các lực lượng giải phóng là những câu chuyện khá gay cấn của nghề, hay như chuyện “ăn bờ ngủ bụi", “nằm võng ngủ rừng"… để khắc hoạ đậm nét công việc của phóng viên báo chí thời gian đó, hiểm nguy không kém những chiến sĩ cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đội ngũ những nhà báo trẻ hiện nay thêm yêu nghề, yêu truyền thống và tự hào khi được tiếp nối với những truyền thống vẻ vang ấy.

Với nhà báo Nguyễn Tấn Hùng, Trần Tam Sơn - giai đoạn sau giải phóng là những lát cắt khác. Ký ức một thời gian khổ, xe đạp, cơm nắm, cá khô theo chân các nhà báo trên mọi nẻo đường của tỉnh. Sự vất vả, cực khổ nhưng luôn yêu nghề, sống chết với công việc của các nhà báo đã làm nên lịch sử vẻ vang của tờ báo Đảng bộ tỉnh.

Những ngày theo đoàn làm phim, tôi được về nơi ra đời của tờ báo tỉnh nhà- địa danh Cây Chò thuộc xã Ninh Điền, huyện Châu Thành; được gặp gỡ và lắng nghe "nhân chứng sống"- các bậc cha chú, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo Tây Ninh qua các thời kỳ kể chuyện làm báo.

Từ những câu chuyện dường như vô tận ấy, chúng tôi, những thế hệ làm báo sau này, khắc ghi từng lời dạy, dặn dò của thế hệ cha anh đi trước. Thế hệ chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử đáng tự hào của bao thế hệ cha anh để lại, góp phần hoàn thành trọng trách được Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tin tưởng, gửi gắm.

Đức An

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Máy chủ tìm kiếm12
  • Khách viếng thăm27
  • Hôm nay8,174
  • Tháng hiện tại148,089
  • Tổng lượt truy cập7,945,997
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây