Hoạt động xuất bản, in, phát triển văn hoá đọc được chú trọng

Thứ sáu - 16/08/2024 15:21 130 0
Qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” trên địa bàn tỉnh, hoạt động xuất bản, in, phát hành theo đúng định hướng, công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hoá đọc được quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng ở địa phương.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng quán triệt, cụ thể hoá thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW. Trên cơ sở đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện; các cấp uỷ, chính quyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện cấp giấy phép trực tuyến trên mạng Internet (mức độ 4) đối với thủ tục hành chính của ngành Thông tin và Truyền thông, ban hành bộ thủ tục hành chính bổ sung các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản lên trang thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử tỉnh. Trong những năm qua, các hoạt động phát hành xuất bản ấn phẩm trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng định hướng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động trong xã hội, góp phần vào sự phát triển văn hoá đọc của tỉnh.

* Công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hoá đọc được chú trọng

Hằng năm, tỉnh tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc, Ngày Hội sách gắn với xây dựng các gian hàng trưng bày và bán sách. Thư viện tỉnh tổ chức các cuộc thi tại phòng đọc với nhiều thể loại khác nhau như: Thi hái hoa dân chủ với chủ đề:“Môi trường và thiên nhiên”; “Vui đọc sách”; “Chương trình đố em”; thi kể chuyện sách chủ đề:“Gương sáng người xưa và nay”; thư viện tỉnh, huyện duy trì các cuộc trưng bày giới thiệu sách, tổ chức hội thi kể chuyện sách, hội thi vẽ tranh theo sách, hội thi công nhân giới thiệu sách, duy trì chương trình giới thiệu sách mới trên đài truyền thanh huyện, thành phố.

Đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền nhằm phát triển văn hoá đọc.

Hiện nay, toàn tỉnh có Thư viện tỉnh với trên 220.000 bản sách, trên 40 loại báo, tạp chí các loại (kết quả, đến nay bình quân hằng năm, Thư viện tỉnh đã cấp thẻ cho 2.878 bạn đọc/năm, có 196.110 lượt người/năm đến thư viện và đã đọc 538.149 lượt tài liệu/năm); 09 thư viện huyện, thành phố, trung bình mỗi thư viện có trên 17.000 bản sách và 25 loại báo, tạp chí các loại. Hằng năm mỗi thư viện huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện việc bổ sung từ 400 đến 500 bản sách; 94/94 xã, phường, thị trấn có tủ sách cơ sở có 300 đến 400 bản sách, chế quản lý và sử dụng sách riêng; hợp nhất Tủ sách pháp luật (thực hiện theo Quyết định số 1067/QĐ-TTg, ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ), sách của Đề án trang bị cho xã, phường, thị trấn (thực hiện theo Thông báo số 396-TB/TW của Ban Bí thư (khoá X) và sách trang bị tại điểm bưu điện - văn hóa xã thành “Tủ sách ở cơ sở”; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung sách đến chi bộ, đảng viên, các cơ quan Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân biết, tìm đọc. Riêng một số xã điểm xây dựng nông thôn mới, hiện nay có nơi tủ sách có trên 1.000 bản sách và hàng trăm tủ sách của ngành, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang…, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thư viện tỉnh đã phát hành, luân chuyển sách đến trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng các xã xây dựng nông thôn mới, thư viện dân lập, tủ sách đồn biên phòng, tủ sách lực lượng vũ trang. Trung tâm Văn hóa Tổng hợp cung cấp cho hệ thống thư viện tỉnh, huyện, thị 7.273 tên sách, tổng số bản sách là 33.585 bản; giao cho các thư viện trường học cấp I, II vùng sâu, biên giới với 200 điểm trường gồm 552 tên sách, số lượng 41.387 bản. Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay có 20 xã biên giới của tỉnh được tiếp nhận ấn phẩm văn hóa từ chương trình mục tiêu Quốc gia cấp, bình quân khoảng 100 bản sách/xã/năm.

* Hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành đáp ứng nhu cầu thông tin

Hiện nay hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất bản tài liệu không kinh doanh của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Các tài liệu in của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh được phát hành dưới dạng nội san chuyên ngành, áp phích, tờ bướm, kỷ yếu, tài liệu hỏi - đáp; các công trình nghiên cứu về lịch sử Đảng bộ tỉnh, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, các xã anh hùng trên địa bàn tỉnh, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, phổ biến pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 02 đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động xuất bản loại hình báo in là Báo Tây Ninh và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh. Mỗi năm, Báo Tây Ninh phát hành khoảng 204 kỳ báo với số lượng bình quân 14.000 tờ/kỳ, 01 kỳ Báo Tây Ninh xuân phát hành dịp tết Nguyên đán hằng năm với số lượng 14.000 cuốn. Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh duy trì phát hành định kỳ 02 tháng/ 01 số báo, tổng cộng là 06 số/năm. Về số lượng phát hành: số thường: 400 quyển, số Xuân: 500 quyển, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự, thưởng thức văn học, nghệ thuật của công chúng.

Xuất bản phẩm Báo in Tây Ninh cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự của công chúng.

Toàn tỉnh có 03 cơ sở in (Công ty CP in Hoàng Lê Kha Tây Ninh; Công ty TNHH MTV Hiếu Ninh và Doanh nghiệp SXTMDV Vạn Hương). Các cơ sở in ấn đầu tư thiết bị, công nghệ ngày càng hiện đại, trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao, đáp ứng nhu cầu in trên địa bàn tỉnh. Có 135 đơn vị phát hành là Công ty CP Sách - Thiết bị giáo dục Tây Ninh 135 cửa hàng bán sách. Hoạt động in ấn, phát hành giúp người dân ở địa phương tiếp cận được những xuất bản phẩm có tính giáo dục, tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển văn hoá đọc của tỉnh.

* Thách thức và hướng đi cho hoạt động xuất bản, in ấn

Trong 20 năm qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện 24 cuộc kiểm tra liên quan đến lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Qua kiểm tra cho thấy việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các cơ sở, in, phát hành xuất bản phẩm và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối tốt.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nên hoạt động xuất bản phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động xuất bản, in, phát hành sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng ở địa phương, tuy nhiên về cơ bản hoạt động xuất bản, in, phát hành ở địa phương có quy mô vừa và nhỏ, phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, Internet, mạng xã hội, qua đó làm giảm vai trò, phạm vi tác động của các loại ấn phẩm in, phát hành.

Truyền thông số, Internet, mạng xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động xuất bản, in ấn.

Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần đầy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xem công tác xuất bản xem đó là bộ phận có vị trí quan trọng trong công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng để truyền bá, bảo vệ, phát huy và góp phần khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng toàn xã hội và tham gia phổ biến, đưa đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống xã hội.

Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất bản, in và phát hành trên địa bàn tỉnh phát triển, thích nghi với sự phát triển của công nghệ thông tin, chuyển đổi, đầu tư sang hình thức xuất bản phẩm điện tử Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống thư viện công cộng, tổ chức nhiều hình thức hoạt động sinh động, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức để thu hút đông đảo bạn đọc, góp phần xây dựng nền nếp văn hóa đọc ngày càng có hiệu quả hơn ở từng địa phương.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý xuất bản, các doanh nghiệp, các cơ sở in và phát hành trên địa bàn tỉnh.

 

Hoàng Trần

 

 

Tác giả: Trần Hoàng Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập56
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay4,996
  • Tháng hiện tại10,485
  • Tổng lượt truy cập7,808,393
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây