Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vắc xin phòng Covid-19 nhập khẩu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay khi nhu cầu vắc xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế. "Việc đảm bảo đủ vắc xin rất khó khăn và đây là những vắc xin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vắc xin từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vắc xin trong nước"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Dự kiến đến ngày 8/3, những liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: TL) |
Ngày 24/02, hơn 117.600 liều vắc xin AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Đến nay, sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc xin xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vắc xin này. Đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày (6/3), Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vắc xin, cũng như xử lý tai biến sau tiêm…
Dự kiến đến ngày 8/3 - thứ hai tuần sau, những liều vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương… do lượng vắc xin lần này quá ít so với nhu cầu thực tế). Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.
Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm: Phải khẳng định việc tiêm vắc xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đắc Vinh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, không để tâm lý có vắc xin là giải quyết được hết các vấn đề mà phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch. Về đối tượng tiêm chúng ta đã có lộ trình cụ thể. “Vắc xin là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, Bộ Y tế phải là đầu mối điều phối thống nhất, không thể để tình trạng các địa phương đàm phán trực tiếp với DN mua vắc xin", ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vắc xin của Liên hợp quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông báo đầy đủ cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng xử lý những vấn đề phát sinh thực hiện tiêm chủng./.
Đỗ Thoa
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Ý kiến bạn đọc