Đoàn Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
* Phát huy truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn", “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Đến tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ, nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc”.
Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT- TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
Hiện thực hoá chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ, những năm qua các cấp uỷ đảng, chính quyền cả nước tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã, phường trong toàn quốc làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ liên tục tăng dần từ là 96,6% đến 99% (năm 2017 đạt 96,6%; năm 2018 đạt 98,11%, năm 2019 đạt 98,37%, năm 2020 đạt 98,7%, năm 2021 đạt 99%); chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% đến 98,6% (năm 2017 đạt 98%; năm 2018 đạt 98,42%, năm 2019 đạt 98,63%, năm 2020 đạt 99%, năm 2021 đạt 98,6%).
Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Đồng thời, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập,... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những "Công dân kiểu mẫu", là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. Số hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%.
* Tình đồng chí, nghĩa đồng bào trên quê hương trung dũng, kiên cường
Trên quê hương Tây Ninh hiện có trên 43.000 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách khác, trong đó, có gần 8.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên. Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; đảm bảo các chế độ chính sách cho đối tượng người có công với cách mạng luôn được kịp thời, đầy đủ theo quy định. Ngoài các chế độ cố định theo quy định chung của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách hoặc có chủ trương riêng để chăm lo cho người có công, như:
- Tặng quà Tết Nguyên Đán hàng năm cho đối tượng là người có công, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ, đối tượng hưởng trợ cấp 01 lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đã thực hiện liên tục trong nhiều năm liền, cụ thể năm 2024, mức quà bằng tiền mặt cho mỗi người là 700.000 đồng (cấp cho 37.763 người, tương ứng với số tiền 26.434,1 triệu đồng. Kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh và nguồn kinh doanh khác).
Trong dịp tết Nguyên Đán hàng năm, tổ chức họp mặt cho tất cả đối tượng người có công, thân nhân liệt sĩ, người thờ cúng liệt sĩ, đối tượng hưởng trợ cấp 01 lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ 150.000 đồng/người, kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện. Bên cạnh đó, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho một số đối tượng là người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu trong dịp Tết Nguyên Đán, lễ 30/4, 27/7, mức quà 1,5 triệu đồng/người (mỗi đợt thăm khoảng 190 người). Ngoài ra, cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn cũng đã trích một phần ngân sách của địa phương để thăm hỏi, tặng quà cho 7.247 lượt người với tổng số tiền trên 4,7 tỷ đồng.
Trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách tại huyện Dương Minh Châu.
- Tỉnh thực triển khai chủ trương nhận phụng dưỡng chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện toàn tỉnh có 17/17 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng suốt đời. Việc phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị thực hiện bằng hình thức cấp tiền hàng tháng, mỗi Mẹ nhận mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng và mức cao nhất là 2.5 triệu đồng/tháng. Việc quan tâm, chăm lo, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng là việc làm có ý nghĩa, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm thiêng liêng thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng của các mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
- Toàn tỉnh duy trì Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp, hiện trong tỉnh đã vận động được 15.778,777 triệu đồng. Trong đó: cấp tỉnh 4.229 triệu đồng; cấp huyện, xã 11.549,777 triệu đồng và sử dụng nguồn Quỹ này để tập trung chính vào công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công.
Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Võ Đức Trong thăm hỏi cụ Nguyễn Thị Thử, sinh năm 1940, ấp Cẩm An, xã cẩm Giang, là mẹ liệt sĩ.
- Đối với công tác hỗ trợ chi phí lễ tang và mai táng cho người có công đã từ trần, tỉnh có sự điều chỉnh, thực hiện một số chính sách hỗ trợ thêm, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương (Quyết định số 52/2017/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND tỉnh Tây Ninh). Cụ thể: hỗ trợ 25 triệu đồng đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chồng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; hỗ trợ 4 triệu đồng đối với các đối tượng còn lại là người có công và các đối tượng đã hưởng trợ cấp 01 lần. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 3.462 trường hợp, với tổng số tiền 14.095 triệu đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch năm 2024, tỉnh cũng sẽ tổ chức 18 đoàn lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà 190 gia đình chính sách là người có công, thân nhân liệt sĩ (mỗi phần quà trị giá 1,5 triệu đồng); triển khai thực hiện xây mới 12 căn nhà cho người có công để kịp thời bàn giao trong dịp lễ 27/7/2024 (160 triệu đồng/căn)…
Thông qua các hoạt động trên, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của các cấp uỷ, chính quyền trong thực hiện chính sách, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công, phát huy đạo lý truyền thống của dân tộc, cũng là tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tri ân đối với gia đình chính sách, người có công.
* Để truyền thống “Hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn", “ăn quả nhớ người trồng cây” mãi trường tồn
Lực lượng Cộng tác viên dư luận xã hội tỉnh thắp hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng mất mát do chiến tranh để lại vẫn còn rất nặng nề. Kỷ niệm 27/7 là dịp thể hiện sự biết ơn, trân trọng đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, thể hiện văn hoá, đạo đức, truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc. Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người.
Do đó, trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy, thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, thiết nghĩ các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cầng tăng cường, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công; góp phần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công, vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, biên giới, căn cứ địa cách mạng.
Nâng cao hiệu quả thực hiện, đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ, quy tập hài cốt liệt sĩ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng. Thường xuyên tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Hoàng Trần
Tác giả: Trần Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc