Ngay từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của Nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm”. Bước vào thời kỳ đổi mới, trước tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng bộc lộ rõ nét, diễn biến phức tạp, Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: tham nhũng “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước” (Văn kiện Đại hội VI). Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, đến Đại hội IX đã trở thành “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta” và đến nay “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (Văn kiện Đại hội XIII). Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta chưa bao giờ chủ quan, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng, qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, gần nhất là Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2025 đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng”.
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành 56 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 05/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; vừa làm nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đấu tranh không ngừng nghỉ, lấy phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng là quan trọng, cấp bách; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh.
Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả phối hợp và xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương; phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Tây Ninh chủ trì một phiên họp của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Phạm Vũ Phương.
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả; chú trọng công tác hậu kiểm sau kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm gây bức xúc và được Nhân dân quan tâm như: Đất đai, quản lý tài chính, tài sản công, lĩnh vực y tế…; phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ, công chức ở những nơi dễ xảy ra tham nhũng, có nhiều dư luận xã hội quan tâm để kịp thời phát hiện, giải quyết sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; giao Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tự kiểm tra về quản lý tài chính, tài sản công đối với 33 cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng đã phát hiện, thụ lý 34 vụ/61 bị can; đã xử lý xong 26 vụ/49 bị can, còn 08 vụ/12 bị can, các cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền. Về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng, đã thu hồi được 14.470.077.771 đồng/15.456.369.771 đồng, đạt tỷ lệ 94%. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu 33 trường hợp để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn một số hạn chế như: trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ và người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa thật sự quyết liệt; một số nơi còn hình thức, việc kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ tuy có chuyển biến nhưng kết quả còn rất hạn chế, vẫn còn xảy ra một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở một số lĩnh vực nhạy cảm (đất đai; thuế; y tế; giáo dục…); tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực có trường hợp còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra.
Có thể nói, kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng nêu trên đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh. Điều này thể hiện rõ qua kết quả điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về niềm tin, sự tín nhiệm của các tầng lớp nhân dân vào các cấp uỷ đảng, chính quyền qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, qua đó ghi nhận đa số ý kiến (61,21%) phấn khởi, tin tưởng, rất kỳ vọng vào cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; nhiều ý kiến (30,8%) phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng có mức độ vào cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đánh giá tình hình, kết quả hoạt động công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Phạm Vũ Phương.
Chúng ta nhận thức rõ rằng tham nhũng, tiêu cực là trở lực lớn đối với sự phát triển của đất nước; tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước và làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; đối với sự nghiệp xây dựng đất nước; tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là kẻ thù nội sinh rất nguy hiểm, bởi nó liên quan đến cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp gây nên những bức xúc, hoài nghi trong nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân, làm cho Đảng suy yếu dần và cuối cùng dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội. Về vấn đề này, lãnh tụ Lênin đã nhấn mạnh: “Một chính đảng chỉ có thể tồn tại và phát triển, giữ vững vai trò lãnh đạo một khi Đảng đó thường xuyên phòng, chống quan liêu, tham nhũng”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, không những coi trọng công tác phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu mà Người còn mẫu mực về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Người coi khinh sự xa hoa để sống một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính một cách cần mẫn. Trọn cuộc đời, Người sống bình dị: khi ở chiến khu sống trong những lán che bằng tre nứa, về Thủ đô chỉ ở ngôi nhà sàn trên vài chục mét vuông; những bữa ăn hàng ngày đơn sơ, đạm bạc, cháo bẹ, rau măng, cơm độn ngô khoai như bao người dân Việt Nam khác; vẫn mặc quần áo đã sờn hoặc khâu vá lại; vẫn dùng quạt nan, đi dép cao su. Trên đỉnh cao quyền lực, không bao giờ và chưa khi nào Người sử dụng quyền lực ấy cho cá nhân, gia đình mình. Về cuối đời, trong Di chúc Người còn căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Từ chủ trương, đường lối của Đảng, tầm nhìn của lãnh tụ và thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua cho thấy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách, sống còn của Đảng; là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”, phải phòng ngừa “từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc”, đấu tranh “không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh về PCTN, TC; tích cực tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là thể chế kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ người tố cáo, phản ánh, báo cáo về tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng là tài sản và tài sản liên quan đến vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; về thanh toán không dùng tiền mặt…; thường xuyên rà soát, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến PCTN, TC.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục PCTN, TC trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Chấn chỉnh, đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thứ ba, tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực PCTN,TC trong công tác cán bộ; trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Thứ tư, chỉ đạo tăng cường, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục thực hiện tự kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản công; tự kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về cấp phép đầu tư kinh doanh; xây dựng và phòng cháy, chữa cháy… Thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Thứ năm, tiếp tục rà soát đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, tập trung rà soát, cụ thể hoá kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả; giải quyết kịp thời phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN,TC.
Thứ sáu, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTN,TC, nhất là tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; giám sát việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Đ/c Nguyễn Thị Xuân Hương – Uỷ viên BTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Tác giả: Trần Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc