Trong những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan trong tỉnh luôn quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT). Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội được nâng cao và tích cực tham gia BHXH, BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT còn thấp; còn phổ biến tình trạng ngừng tham gia và không bền vững. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp uỷ, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác BHXH, BHYT; nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và bộ phận Nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; hoạt động của bộ máy Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện còn mang nặng tính hành chính, chưa chủ động triển khai các giải pháp mở rộng mạng lưới, vận động và chăm sóc khách hàng tham gia các loại hình bảo hiểm; công tác phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ sở y tế và các đơn vị có liên quan còn nhiều vướng mắc, lúng túng, chưa có sự đồng bộ, thống nhất; năng lực mạng lưới tổ chức dịch vụ BHYT còn thiếu và yếu; tinh thần, thái độ phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chậm được khắc phục, chưa đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế; phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 131-CTr/TU, ngày 18/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về công tác BHXH, BHYT để tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa, lợi ích, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và tính nhân văn trong việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng cụ thể, thiết thực, đa dạng, sinh động, phù hợp với từng đối tượng; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín đồng bào dân tộc trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Thường xuyên thông tin, phản hồi về chính sách và kết quả thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, định hướng tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong Nhân dân.
2. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế.
Bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho Nhân dân.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế; ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ, y đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.
Đổi mới phương thức hoạt động của ngành y tế, phát huy vai trò tuyến đầu của y tế cơ sở trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho Nhân dân. Thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các cơ sở điều trị với cơ quan bảo hiểm xã hội, phục vụ quản lý thông tuyến và giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT.
3. Đổi mới tư duy, phương thức hoạt động của hệ thống BHXH theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời chăm sóc và bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm cơ quan BHXH trong phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT đạt chỉ tiêu đã được cấp uỷ tỉnh đề ra; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập về thủ tục khám, chữa bệnh, thanh quyết toán, chuyển tuyến điều trị, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh và quyền lợi cho người dân tham gia BHYT.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong thực hiện BHXH, BHYT; nâng cao chất lượng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
4. Tổ chức thực hiện
4.1. Các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện Chỉ thị này; đưa chỉ tiêu tỉ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết của cấp uỷ, HĐND, kế hoạch của UBND; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện. Định kỳ hàng năm đánh giá sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BHXH tự nguyện, BHYT.
4.2. Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT.
4.3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hằng năm; chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện, BHYT phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án củng cố, phát triển nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh.
4.4. Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT; tích cực vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ BHYT cho các đối tượng khó khăn. Tăng cường giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp.
4.5. Đảng đoàn Liên đoàn lao động tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức công đoàn trong tỉnh chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng hỗ trợ tư pháp, giúp người lao động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng khi tham gia BHXH, BHYT.
4.6. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của tỉnh về thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc quán triệt và triển khai thực hiện; chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kết quả thực hiện.
4.7. Các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhất là các đồng chí bí thư huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ và đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị này tại địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
File đính kèm:29-CT.TU 16.01.2023_1.signed.pdf
Đ.K
Ý kiến bạn đọc