Ngày 04/01, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Võ Văn Thưởng- Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dự và chỉ đạo Hội nghị; đồng chí Phan Đình Trạc- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu Tây Ninh, dự Hội nghị có đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Hồng Thanh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Đồng chí Phạm Hùng Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Dũng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương đã trình bày báo cáo tổng kết về công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng, trong đó nhấn mạnh:
Năm 2022, tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành Nội chính Đảng đã nỗ lực, cố gắng, chủ động, tích cực triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành theo chương trình, kế hoạch đã đề ra. Nổi bật là: (1) Đã tập trung nghiên cứu, xây dựng nhiều đề án lớn, quan trọng, khó, chuyên môn sâu, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thông qua đúng tiến độ, có chất lượng tốt; (2) Tham mưu Bộ Chính trị tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, sự tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; (3) Bản lĩnh, quyết liệt, sáng tạo trong tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước tiến mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điển hình như những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, AIC, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao…, tham mưu đường lối xử lý bảo đảm nghiêm minh, không có vùng cấm, nhưng có tính nhân văn, có lý, có tình, nhất là vụ án liên quan đến Công ty Việt Á được dư luận đồng tình; (4) Nghiêm túc, trách nhiệm, công tâm, khách quan, thận trọng, đúng quy trình, quy định trong tham gia ý kiến về công tác cán bộ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh. Chất lượng thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, văn bản được nâng lên; (5) Công tác theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đạt được nhiều kết quả tích cực; lần đầu tiên Ban Nội chính Trung ương tiến hành kiểm tra, giám sát chuyên đề theo chức năng, nhiệm vụ; (6) Tham mưu thành lập và triển khai hoạt động của 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; kết quả bước đầu trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Có được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo và Thường trực, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy; nhất là sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Thường trực Ban Bí thư; sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả của các cơ quan chức năng có liên quan; sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng, nhất trí, tận tuỵ, sáng tạo của tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Nội chính Đảng.
Tại Hội nghị, đại diện các ban, ngành và địa phương đã tham luận, trao đổi về kết quả đạt được trong năm 2022, khó khăn vướng mắc trong hoạt động của ngành Nội chính Đảng, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, đồng thời đề xuất kiến nghị chỉ đạo trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương thành tích mà ngành Nội chính Đảng đã đạt được trong năm 2022. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế đề nghị của ngành Nội chính Đảng cần thẳng thắn, nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục thiết thực, nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực hoạt động trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023, đồng chí đề nghị ngành Nội chính Đảng cần chủ động, tích cực nghiên cứu tham mưu với Đảng, các chủ trương, định hướng lớn về công tác Nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; tập trung tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương "về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" và các quy định của Bộ chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và 02 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cải cách tư pháp; nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát người kê khai tài sản; nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong công tác phát hiện xử lý tham nhũng tiêu cực ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Cải cách tư pháp…
Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố bộ máy, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy vững mạnh, đủ sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phạm Vũ Phương
Ý kiến bạn đọc