Các công chức làm việc tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Qua thực tế công tác CCHC thời gian qua, đúc kết thành bốn vấn đề “mấu chốt” quyết định sự thành công, hiệu quả của công tác CCHC.
Thứ nhất, phải quán triệt cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác CCHC, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác CCHC. Trong quá trình thực hiện phải đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu chung là phục vụ Nhân dân, trong đó có chính bản thân mình. Công tác CCHC luôn gắn với công tác thi đua khen thưởng để động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.
Thứ hai, là phải xác định mục tiêu cho mỗi thời kỳ cụ thể (hằng năm, 5 năm,…) và mục tiêu phải cập nhật thường xuyên. Việc xác định mục tiêu này có ý nghĩa hết sức thiết thực, cho chúng ta thấy rõ điểm xuất phát, đích đến ở đâu để tìm ra giải pháp phấn đấu đạt được. Bởi vì, các vấn đề trong xã hội luôn phát triển, các chính sách, chế độ cũng sẽ luôn thay đổi, nhiều vấn đề kinh tế - xã hội mới phát sinh… cho nên công tác CCHC cũng phải liên tục cập nhật, hệ thống vấn đề, tháo gỡ các xung đột về lợi ích, loại bỏ các trùng lắp trong các quy định của các ngành.
Thứ ba, là cần phải có người theo dõi, giám sát hệ thống, bảo trì hệ thống mạng máy tính, phần mềm để kịp thời xử lý các vướng mắc. Bởi vì những vướng mắc dù nhỏ, nhưng có thể làm đình trệ cả hệ thống.
Và cuối cùng là sự quyết tâm của người lãnh đạo; đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng quyết định đến sự thành công của công tác này. Sự quan tâm của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu được ví như là vị trí điểm tựa của đòn bẩy, là động lực đốc thúc sự nỗ lực làm việc hiệu quả của các cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện CCHC. Thực tế trong thời gian qua, địa phương nào, cơ quan nào mà người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chủ động, tích cực trong công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; tập trung thực hiện các nội dung về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì nơi đó thực hiện tốt công tác CCHC.
Qua thực tiễn cho thấy: một khi đã thực hiện đồng thời bốn “mấu chốt” đã được nêu ở trên thì chắc chắn sẽ tạo được đột phá trong CCHC trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng, CCHC của cả tỉnh nói chung. Từ đó xây dựng Tây Ninh thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, để người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự đồng lòng đưa địa phương ngày càng phát triển.
Trương Văn Hùng