Sáng 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cùng lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cùng lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tham dự hội nghị
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động đến việc triển khai công tác tư pháp, nhưng toàn ngành đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao. Trong năm, các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến đối với 5 dự án luật khác; đang chuẩn bị 4 nội dung trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp bất thường, trong đó có nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến quốc kế dân sinh, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển KT-XH.
Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; kết luận kiểm tra chính xác; nhiều văn bản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 493.971 việc với trên 45.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.
Về công tác trợ giúp pháp lý (TGPL), các Trung tâm TGPL trong cả nước đã thực hiện việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý tổ chức và hoạt động TGPL. Vì vậy, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng số lượng vụ việc TGPL tăng, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Các Trung tâm TGPL đã nỗ lực tham gia 38.640 vụ việc; trong đó có 33.127 vụ việc tham gia tố tụng (chiếm 85,7% tổng số vụ việc, tăng 20,5% so với năm 2020).
Với mục đích góp phần hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025. Các hoạt động tọa đàm, tập huấn, hỗ trợ pháp lý trực tuyến gắn với phục hồi kinh tế sau dịch bệnh đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng để ban hành Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29.7.2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quyết toán và sử dụng kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục góp phần quan trọng trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giúp ổn định an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội ngay từ cơ sở, xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ Nhân dân. Trong năm, các hòa giải viên đã tiếp nhận 94.000 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành trung bình là 80%.
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiến hành 34 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất để giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra sau thanh tra. Các Sở Tư pháp địa phương đã tiến hành 342 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 492 tổ chức, qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 1,3 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị đã tiếp 181 lượt công dân (giảm 39 lượt so với năm 2020) và 1 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tại Bộ Tư pháp liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự; tiếp nhận, xử lý 795 đơn thuộc thẩm quyền, xem xét giải quyết, xử lý của Bộ Tư pháp. Nội dung các đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc kê biên tài sản thi hành án, thời hiệu thi hành án; đình chỉ, tạm đình chỉ thi hành án; quyết định cưỡng chế thi hành án; khiếu nại… Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Bộ Tư pháp đều được xử lý và xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong năm 2022, các ngành cần tập trung nhiều hơn nữa để tạo môi trường pháp lý tốt hơn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo Thủ tướng, đầu tiên cần nâng cao nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế; xác định người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể để đánh giá mọi tác động khi xây dựng môi trường pháp lý. Cùng với đó, các cấp ủy đảng cần nhanh chóng thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát tình hình thực tiễn. Các ngành, địa phương phải lấy thực tiễn là thước đo, không được bảo thủ, trì trệ; cần lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; tinh gọn bộ máy hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Chúng ta cần chủ động đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ khi xây dựng thể chế. Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của dân, do dân và vì dân", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
N.D
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc