Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát hiệu quả. Tây Ninh thiết lập được hơn 90% vùng xanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán hoạt động trở lại. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch COVID-19 và những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới của tỉnh Tây Ninh.
Ông Võ Đức Trong-Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết những giải pháp mà Tây Ninh đã thực hiện trong thời gian qua để khống chế dịch bệnh COVID-19 từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát?
Ông Võ Đức Trong: Từ giữa tháng 7, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam. Tây Ninh chịu ảnh hưởng nặng nề, bởi trong thời điểm đó, các tỉnh giáp biên thuộc Campuchia và một số tỉnh giáp ranh với Tây Ninh như Bình Dương, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang bùng phát dịch rất mạnh.
Trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, việc tổ chức, quản lý công tác chống dịch của Tây Ninh chưa đáp ứng yêu cầu. Chính vì vậy, tỉnh bắt đầu tổ chức lại lực lượng, thành lập mới các ban chỉ đạo, sở chỉ huy tiền phương để tập trung chống dịch. Đặc biệt, Tây Ninh đã hình thành 4 tiểu ban, gồm tiểu ban chuyên môn, kiểm soát và môi trường, hậu cần, tuyên truyền. Việc thành lập các tiểu ban giúp vận hành công tác chống dịch chủ động hơn.
Khi tình hình dịch phát triển rất nhanh, Tây Ninh kịp thời xây dựng lại kịch bản sát với thực tế, đặc biệt là đi vào thực hiện ngay kịch bản 3.000 ca bệnh, xây dựng kịch bản 5.000 và 10.000 ca bệnh.
Tập trung chuyển đổi trạng thái chống dịch, nghĩa là từ đuổi theo dịch bệnh chuyển qua ngăn chặn dịch bằng việc Tây Ninh triển khai 3 đợt xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, bắt đầu từ ngày 10.8, giúp ngăn chặn dịch lây lan rộng. Xác định vaccine là một trong những giải pháp căn cơ để có thể ngăn chặn dịch bệnh, Tây Ninh đã tập trung vào công tác tiêm phòng.
PV: Những giải pháp đó đã đem lại kết quả như thế nào đối với công tác phòng, chống dịch của Tây Ninh, thưa ông?
Ông Võ Đức Trong: Khi dịch bùng phát trên địa bàn, Tây Ninh thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương cũng như chỉ đạo của cấp ủy. Đến thời điểm này, Tây Ninh có hơn 9.000 ca nhiễm, số ca còn đang điều trị là 782 ca, tỷ lệ tử vong chiếm 1,4%, thấp hơn so với cả nước.
Qua 3 lần sàng lọc, Tây Ninh cơ bản chặn được các nguồn lây nhiễm, nghĩa là chủ động phát hiện các nguồn bệnh, kịp thời phong toả những khu vực phát hiện nguồn lây và quản lý được F0, quản lý và kiểm soát được các khu vực có ca bệnh. Qua 3 đợt sàng lọc, đến nay Tây Ninh có hơn 90% vùng xanh, dưới 10% vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung cho công tác tiêm vaccine, trong đó, tiêm mũi 1 đạt 48% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên.
PV: Công tác an sinh xã hội đã được tỉnh triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Võ Đức Trong: Tây Ninh thực hiện 3 lần giãn cách, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Do đó, tỉnh tập trung hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch. Đến nay, Tây Ninh đã hỗ trợ cho 56.386 người, với tổng số tiền trên 85,6 tỷ đồng.
PV: Thưa ông, việc tái sản xuất đã được tỉnh triển khai như thế nào?
Ông Võ Đức Trong: Từ ngày 03/9, Tây Ninh chuyển qua trạng thái mới, phục hồi sản xuất. Đối với khu vực sản xuất nông nghiệp và dịch vụ, chúng tôi đã cho hoạt động có kiểm soát từ trước. Sau ngày 03/9, tỉnh bắt đầu cho ngành công nghiệp hoạt động trở lại. Trước dịch, Tây Ninh có 130.000 lao động hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhưng trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp chỉ còn khoảng 23.000 lao động làm việc. Đến nay, có khoảng 55.000 lao động trở lại làm việc, đạt 40% số lao động so với trước dịch.
PV: Trong thời gian tới, Tây Ninh sẽ có những giải pháp nào để vừa khôi phục sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh, thưa ông?
Ông Võ Đức Trong: Muốn chống dịch tốt thì phải đồng hành với biện pháp triển kinh tế, có nguồn lực mới có thể chống dịch đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm an toàn, không để dịch bùng phát. Như các tỉnh, thành trong cả nước, Tây Ninh đã có lộ trình thực hiện với nhiều giải pháp cụ thể. Trước mắt, tỉnh tập trung kiểm soát dịch, sàng lọc để chặn nguồn lây, kịp thời truy vết, cách ly, phong toả các khu vực phát hiện ca bệnh, không để dịch bùng phát trên diện rộng; điều chỉnh lại các hoạt động về truy vết, phân tầng bệnh viện để chúng ta có đủ khả năng, năng lực điều trị bệnh, không để quá tải hệ thống y tế.
Tổ chức tại các bệnh viện dã chiến, bàn giao các cơ sở, đặc biệt là trường học dùng làm khu cách ly, điều trị để chuẩn bị cho học sinh học trực tiếp. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng, ưu tiên cho đối tượng công nhân để tái sản xuất. Việc tiêm vaccine cho công nhân “3 tại chỗ" trong các khu công nghiệp đạt 100% mũi 1. Đây là cơ sở cho việc phục hồi sản xuất an toàn nhất.
Công tác chống dịch trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định nhờ có sự đồng hành, đóng góp rất lớn của người dân trong và ngoài tỉnh; đặc biệt, các bộ, ngành trung ương hỗ trợ cơ sở vật chất, gạo... cứu trợ người dân Tây Ninh gặp khó khăn, các doanh nghiệp hỗ trợ tỉnh trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác chống dịch.
Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến người dân, doanh nghiệp đã đồng hành cùng Tây Ninh trong công tác chống dịch trong thời gian qua.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Nguyệt
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc