Các nội dung hỗ trợ cụ thể như tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhận thức về năng suất chất lượng; đào tạo cho các đối tượng: lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ các cơ quan quản lý chức năng có liên quan…
Sản xuất tinh bột mì tại một nhà máy ở huyện Châu Thành.
Thực hiện dự án “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh" giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020", tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), sản xuất các sản phẩm, hàng hoá thuộc ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn (ưu tiên các sản phẩm, hàng hoá có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: mía, mì, cao su...).
Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập tạo ra các sản phẩm, hàng hoá có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Các nội dung hỗ trợ cụ thể như tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhận thức về năng suất chất lượng; đào tạo cho các đối tượng: lãnh đạo các doanh nghiệp, cán bộ các cơ quan quản lý chức năng có liên quan; đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn đủ năng lực tư vấn áp dụng các công cụ cơ bản cải tiến năng suất chất lượng trong giai đoạn đầu và nâng cao trình độ trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, cụ thể: hỗ trợ 40 lượt tổ chức, doanh nghiệp về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; áp dụng công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; sản phẩm chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng.
Ngành chức năng vận động hơn 436 lượt doanh nghiệp trong tỉnh tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia, có 18 lượt doanh nghiệp đăng ký tham dự, kết quả: 16 lượt doanh nghiệp được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc (5 doanh nghiệp đạt giải vàng, 11 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia).
Tỉnh khen thưởng 3 lượt doanh nghiệp là Công ty CP Cao su Tây Ninh, Công ty TNHH XNK TM-CN-DV Hùng Duy có thành tích xuất sắc trong việc tham gia dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh" giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020.
Ngoài ra, ngành chức năng còn hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển tài sản trí tuệ như: hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cho 125 cơ sở/đơn vị; gia hạn văn bằng bảo hộ cho 11 cơ sở/đơn vị; 1 kiểu dáng công nghiệp; 1 sáng chế ở huyện Dương Minh Châu; 1 thủ tục chuyển nhượng chủ sở hữu giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu dịch vụ; cấp 48 giấy xác nhận đăng ký tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2012-2015; cấp kinh phí hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho 3 cơ sở/doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ... Tổng kinh phí triển khai thực hiện Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2013-2022 trên địa bàn tỉnh là hơn 2,5 tỷ đồng.
Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, qua nhiều năm triển khai, dự án đã hỗ trợ các doanh nghiệp về công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về năng suất và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp.
Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hoá, giúp giảm thiểu chi phí, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá, mang lại hiệu quả và lợi nhuận cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Trung tâm Hành chính công tỉnh xây dựng và áp dụng công cụ cải tiến 5S nhằm tạo môi trường làm việc khoa học, ngăn nắp, thông thoáng, phong cách làm việc chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp nhận và trả hồ sơ của tổ chức, công dân.
Công ty CP Cao su Tây Ninh xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, chứng nhận hợp chuẩn sản phẩm và công cụ cải tiến Kaizen đem lại hiệu quả đáng kể như: Uy tín thương hiệu Công ty nâng cao rõ rệt; giúp cho bộ tài liệu hệ thống quản lý tinh gọn hơn; sản lượng khai thác mủ bình quân (tấn/ha) vượt so kế hoạch, duy trì nhiều năm liền đạt 2 tấn mủ cao su quy khô/ha, nằm trong top những công ty có năng suất ổn định và cao nhất trong ngành, chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, duy trì tính ổn định, đuợc khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.
Mặt khác, còn tăng tính hợp pháp của sản phẩm cao su trên thị trường: sản phẩm của Công ty được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý, được đánh giá cao, dễ dàng lưu thông trên thị trường, đáp ứng các yêu cầu kiểm tra, thanh tra của cơ quan quan lý nhà nước. Công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam" ngày 7.12.2017.
Sản phẩm cao su của Công ty được dán thêm logo nhãn hiệu “Cao su Việt Nam" như là một chứng nhận, xác tín về chất lượng sản phẩm, bảo hộ trên thế giới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và làm tăng thương hiệu sản phẩm cao su của Công ty tiêu thụ trên thị trường thế giới. Về môi trường, công tác bảo vệ môi trường theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 14001:2015.
Chế biến cao su
Bên cạnh những lợi ích mang lại từ Dự án năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2022 vẫn còn những hạn chế.
Các doanh nghiệp chưa quan tâm tham gia một số nội dung về công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Nguyên nhân của vấn đề này là các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là DNVVN, khả năng tài chính và trình độ quản lý còn thấp nên việc nhận thức tầm quan trọng, sự cần thiết phải áp dụng và duy trì các công cụ cải tiến năng suất chất lượng còn hạn chế.
Các khoá đào tạo tuy được doanh nghiệp đăng ký nhưng một số doanh nghiệp cử cán bộ tham dự chưa phù hợp với nội dung khoá học, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp chưa tham dự nên việc áp dụng sau đào tạo chưa đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, cũng chưa đánh giá được hiệu quả mang lại từ việc áp dụng các nội dung hỗ trợ của dự án do không có cơ chế quy định thực hiện hậu kiểm sau khi đã được cấp kinh phí hỗ trợ, hoặc hình thức xử lý nếu doanh nghiệp không tiếp tục duy trì việc áp dụng các nội dung đã hỗ trợ.
Kinh phí của dự án chủ yếu từ nguồn sự nghiệp khoa học nên các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp như: chứng nhận hợp chuẩn và công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (20 triệu đồng/sản phẩm), xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (5 triệu đồng/sản phẩm)...
Mặt khác, thực tế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên trường quốc tế vẫn rất hạn chế; năng suất, chất lượng hàng hoá còn ở mức thấp so với cả nước và khu vực; sự phát triển các ngành công nghiệp chưa mang tính bền vững.
Nguyên nhân do doanh nghiệp thiếu thông tin về công nghệ, dịch vụ tư vấn lựa chọn công nghệ, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Vấn đề tài chính hạn chế cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp chưa đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp còn thấp so với yêu cầu sản xuất và phát triển...
Ngày 9.2.2021, UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt Kế hoạch số 431/KH-UBND triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, chương trình tiếp tục đào tạo, thông tin tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho các doanh nghiệp, tổ chức trong tỉnh.
Đẩy mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, DNVVN của tỉnh xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ cải tiến năng suất, chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn quốc tế, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đối với các sản phẩm chưa có tiêu chuẩn quốc gia.
Trúc Ly
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc