Để nông dân yên tâm phát triển sản xuất

Thứ hai - 21/03/2022 21:00 138 0

​  Ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.


Thu hoạch rau sạch aquaponics. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Từ đầu năm 2022, chi phí vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giá xăng tăng cao khiến việc sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp đã và đang cùng chính quyền các địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Đối mặt nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Ngọc Trỗi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, từ đầu năm đến nay, giá cả vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc… đồng loạt tăng cao, làm tăng chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; trong khi đó, giá cả đầu ra nông sản, sản phẩm chăn nuôi không ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái.

Không chỉ giá phân bón “leo thang" mà các loại vật tư nông nghiệp khác cũng tăng mạnh. Giá xăng dầu tăng “phi mã" khiến chi phí sản xuất nông nghiệp vượt khỏi tính toán đầu tư của nông dân. Lúc này, hạ giá phân bón và vật tư nông nghiệp không chỉ là mong muốn của nông dân mà còn là giải pháp để thúc đẩy khôi phục sản xuất.

Ông Trỗi cho biết thêm, trong sản xuất nông nghiệp, nông dân còn phụ thuộc nhiều vào nguồn phân bón vô cơ và các loại vật tư nông nghiệp khác. Trên địa bàn huyện, một số hộ đầu tư trồng cây ăn trái nhưng chất lượng thấp, phải chuyển đổi sang cây trồng khác. Số lượng doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít, nhất là đầu tư liên kết trong bảo quản, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, thời tiết bất thường, mưa lớn trái mùa thời gian qua ảnh hưởng đến một số loại cây trồng vùng đất thấp; nhiều diện tích trồng cây mì, rau màu phải cày bỏ, trồng lại; ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên một số trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương chưa dám đầu tư tái đàn gia súc, gia cầm.

Theo ông Đặng Thủ Thừa - Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong quý I.2022 tương đối ổn định. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được tích cực thực hiện, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh; không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như dịch tả heo châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón, giống, công lao động tăng mạnh, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Giá nông sản, gia súc, gia cầm trên địa bàn không ổn định, phụ thuộc vào thương lái.

Ngoài ra, việc đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến hiện đại, có khả năng chế biến sâu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng phụ phẩm trong chế biến còn hạn chế. Huyện chưa thu hút được doanh nghiệp nông nghiệp lớn, nhất là lĩnh vực chăn nuôi, trồng cây ăn trái nên chưa tạo bước đột phá trong nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.


Nông dân tưới bắp.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, dự báo những khó khăn trong thời gian tới do ảnh hưởng của các loại dịch bệnh và biến động của thị trường, ông Nguyễn Ngọc Trỗi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên đưa ra những giải pháp như sau: khuyến khích nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng quy hoạch của huyện để phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu có giá trị kinh tế cao ở các xã Tân Lập, Hoà Hiệp, Thạnh Bình và Thạnh Bắc; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tái sử dụng các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn gia súc từ nguyên liệu có sẵn ở địa phương, giảm dần sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, giúp cải tạo đất, giảm giá thành, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Để nông nghiệp huyện Tân Biên phát triển bền vững, ông Trỗi kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh cho các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn, triển khai các dự án hỗ trợ liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX tiêu thụ nông sản- nhất là nhóm hàng cây ăn trái.

Ông Đặng Thủ Thừa - Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, nhằm triển khai các mục tiêu phát triển nông nghiệp trong giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất. Trong đó, đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung chuyển đổi cây trồng, cơ cấu lại vùng sản xuất và diện tích sản xuất các loại cây trồng; đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa, đất trồng cao su kém hiệu quả sang trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tiếp tục phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nhằm tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

Đối với lĩnh vực thuỷ sản, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng. Phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường và giá trị sản phẩm. Nâng cao hiệu quả bảo vệ và khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Đa dạng hoá các mô hình nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng đề án, dự án nuôi thuỷ sản hợp lý, bền vững và hiệu quả cao tại các xã Chà Là, Phước Ninh, Phước Minh, Lộc Ninh.

“Gia đình tôi trồng 2 ha bắp, mì, đậu xanh. Giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng, xăng cũng trên đà tăng quá cao làm giảm lợi nhuận của nông dân, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư cho những mùa vụ sau, khi số tiền đầu tư đã đội lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Đặc biệt, nông dân muốn tái canh, trồng mới càng gặp khó khăn khi tiền đầu tư lớn mà giá đầu ra lại bấp bênh". Ông Nguyễn Văn Phúc - một nông dân ở xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên

Hướng dẫn các thành phần kinh tế xây dựng dự án thụ hưởng các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: chính sách hỗ trợ lãi vay; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), vận động các chủ thể có điều kiện tham gia.


Nông dân trao đổi kỹ thuật trồng giống đậu đen trên địa bàn xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, ông Thừa kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản, nhất là nhóm hàng cây ăn trái; ban hành chính sách đặc thù thực hiện chương trình OCOP để khuyến khích các chủ thể có điều kiện tham gia, làm động lực phát triển các sản phẩm của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá cả nông sản cơ bản có chiều hướng tăng so với giai đoạn trước tết, các điểm du lịch, khu vui chơi, khu công nghiệp hoạt động bình thường làm cho nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng lên. Tuy nhiên, giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp đôi, chi phí vận chuyển tăng cao là áp lực rất lớn đối với những người sản xuất nông nghiệp.

Giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, ngành nông nghiệp đã phát hiện trên thị trường nhiều loại phân bón làm giả, kém chất lượng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của nông dân. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân hết sức cảnh giác, không nên mua hàng giá rẻ, tránh thiệt hại trong sản xuất; tiết kiệm chi phí, bón phân phù hợp, đúng thời điểm, hợp lý giúp cây trồng sinh trưởng tốt; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng, vừa tăng được độ màu cho đất vừa giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả sản xuất.


Nhi Trần

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập80
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay4,838
  • Tháng hiện tại144,753
  • Tổng lượt truy cập7,942,661
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây