Để giúp nông dân phát triển kinh tế, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Tân Châu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân như: tuyên truyền, vận động xã hội hóa, tranh thủ tối đa các nguồn vốn vận động từ tổ chức, cá nhân. Đồng thời kêu gọi cán bộ, hội viên tích cực tham gia đóng góp xây dựng Quỹ hội. Từ đó đã đạt được những kết quả tích cực, tạo tiền đề cho nông dân xây dựng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế.
Hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân thời gian qua đã và đang ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực. Thông qua nguồn vốn đã hỗ trợ hàng trăm lượt hộ gia đình hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tính đến tháng 4 năm 2022, tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện đạt hơn 4,6 tỷ đồng; trong đó quỹ của huyện và xã là trên 3 tỷ đồng. Với tổng dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 4,1 tỷ đồng, cho 161 hội viên vay để thực hiện 22 dự án trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó vốn tỉnh Hội ủy thác hơn 1,55 tỷ đồng, cho 55 hộ vay; vốn cấp huyện là 100 triệu đồng, cho 5 hộ vay; vốn xã 660 triệu đồng, cho 31 hộ vay; vốn của huyện và xã trên 1,84 tỷ đồng cho 69 hộ vay. Trong hơn 4,6 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân toàn huyện hiện có, Nhân dân đóng góp, ủng hộ hơn 2,4 tỷ đồng. Đến nay, 12/12 cơ sở Hội có nguồn vốn vận động đạt trên 117 triệu đồng.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, hàng năm Hội Nông dân huyện và các xã - thị trấn đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt ưu tiên cho những hộ gia đình có kế hoạch sử dụng nguồn vốn khả thi, hiệu quả, có nguồn nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Đồng thời, Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kĩ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội còn tăng cường và chủ động kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay của hội viên, nông dân để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Quỹ hỗ trợ nông dân không những giúp phát huy nhiều mô hình phát triển kinh tế cho nông dân mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương. Nhiều hội viên là những điển hình tiêu biểu, với các mô hình kinh tế cho doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Điển hình trong số này có gia đình anh Nguyễn Minh Đức, một trong số nhiều hộ gia đình hội viên được Hội nông dân xét cho vay từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân. Ông Nguyễn Minh Đức, người trồng ổi tại xã Tân Hội cho biết: "Năm 2020 tôi được Hội Nông dân huyện cho vay 25 triệu để mua phân bón cho vườn cao su, tuy nhiên khi cây sầu riêng còn nhỏ thì tôi mua 100 cây ổi Ruby để trồng xen canh với mục đích lấy ngắn nuôi dài. Ổi Ruby rất dễ trồng, qua 8 tháng thì cho thu hoạch, ổi này hột rất ít ăn giòn ngon, rất được thị trường rất ưa chuộng. Giá trị kinh tế cũng rất cao, hiện tại một kg ổi nữ hoàng giá 8-10 ngàn đồng/kg thì ổi Ruby tôi bán là 25 ngàn đồng/kg nhưng không đủ bán".
Anh Nguyễn Minh Đức với vườn sầu riêng xen ổi Ruby của mình
Từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn do thiếu vốn sản xuất, nhờ Quỹ hỗ trợ nông dân đến nay gia đình anh Đức đã trở thành một trong những gia đình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh. Và cũng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, anh Đức có điều kiện đóng góp trở lại Quỹ và hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế.
Rời vườn Sầu riêng xen ổi Ruby của gia đình anh Đức, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng táo của gia đình anh Lê Chiêu Anh, một hộ dân ở xã Tân Hưng cũng được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Anh Lê Chiêu Anh cho biết: "Vừa qua hội nông dân cũng cho em vay vốn là 30 triệu đồng, qua đó em mua cây giống táo về để trồng, em nghiên cứu thấy giá thị trường hiện nay cũng ổn nên em quyết định trồng táo và làm nhà lưới để cho trái táo sạch tới tay người tiêu dùng. Thường cây táo có những thứ bệnh như nấm trắng, sâu lá, nhưng sâu lá thì đã có nhà lưới rồi nên cũng khắc phục được, giờ chỉ còn khắc phục về nấm bệnh nữa thôi".
Giống táo của Lê Chiêu Anh đang trồng là giống táo Thái xanh. Theo tính toán của Lê Chiêu Anh, để đầu tư trồng 1.000 m2 Táo là khoảng 40 triệu đồng. Trong đó gồm tiền cây giống, phân bón, lưới bao phủ toàn bộ vườn táo để phòng tránh sâu và ruồi vàng. Nhất là ruồi vàng là loại côn trùng rất nguy hiểm cho cây táo. Phương pháp bao lưới có nhiều ưu điểm như: che chắn không cho côn trùng, ruồi vàng xâm nhập đục quả, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật chống ruồi vàng. Bên cạnh đó, màng lưới còn giúp cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào trái táo, bảo vệ trái bớt bị rám vỏ và sậm màu, hạn chế mưa gió gây rụng trái. Vì làm nhà lưới nên các loại côn trùng, ong không thể vào để thụ phấn cho táo, Chiêu Anh phải mua ong Dú từ miền tây về nuôi để thụ phấn cho cây táo. Theo Chieu Anh thì ong Dú sống tốt trong môi trường nhà lưới. Đặc biệt ong rất thích những loại cây trồng có nhiều phấn hoa nên ong sẽ tập trung hút mật và thụ phấn cho cây. Đặc biệt là chúng rất trung thành không bỏ tổ. Hiện vườn táo của Chiêu Anh đã bắt đầu cho trái, dự kiến khoảng hơn 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, với giá táo bán ra ngoài thị trường hiện nay dao động từ 30 ngàn/kg, hứa hiện sẽ có mùa táo bội thu.
Để tiếp tục mở rộng quy mô nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân và việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội trong huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo nguồn Quỹ theo phương châm xã hội hóa, tranh thủ tối đa nguồn vốn vận động từ các tổ chức và cá nhân đóng góp.Đồng chí Nguyễn Văn Thượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Châu cho biết: Huyện Tân Châu là huyện nông nghiệp nên trong thời gian tới tôi mong rằng, Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam có hướng hỗ trợ thêm cho Gội Nông dân huyện Tân Châu để bà con nông dân được tiếp cận nhiều hơn nữ nguồn vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân của Tỉnh, Trung ương để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng.
Mặt khác, Hội Nông dân huyện Tân Châu cũng chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, gắn với việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp. Chú trọng việc cho vay nguồn vốn theo các dự án, các mô hình điểm có sự liên kết. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương. Qua đó góp phần vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương xây dựng Nông thôn mới./.
Chí Thành
Ý kiến bạn đọc