Qua
10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho
lao động nông thôn”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được cấp ủy,
chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực
hiện đạt kết quả quan trọng, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho
người dân, đáp ứng được nguồn nhân lực lao động phục vụ cho mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội của huyện.
Huyện đoàn Bến Cầu phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên
Huyện Bến Cầu là huyện nông thôn, biên giới của tỉnh Tây Ninh. Toàn huyện có 08 xã và 1 thị trấn, trong đó có 05 xã giáp biên giới với Vương quốc Campuchia. Phần lớn người dân sống bằng nghề nông, làm công nhân, số ít làm nghề dịch vụ và buôn bán nhỏ lẻ. Xác định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ngay sau khi có Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư và Kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đến các chi bộ, đảng bộ thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện cụ thể hóa sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và các văn bản chỉ đạo của cấp trên về đào tạo nghề cho lao động nông thôn để triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.
Để sớm đưa Chỉ thị vào cuộc sống, với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, công tác tuyên truyền luôn được các cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng và tăng cường chỉ đạo thông qua nhiều hình thức và nội dung sát thực. Ngoài ra, ngành lao động - thương binh và xã hội chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến, vận động và tham gia tư vấn học nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên. Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó thu hút được số đông lao động nông thôn tham gia các lớp dạy nghề do các ngành, các cấp tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm đào tạo nghề, giải quyết việc làm được Huyện ủy đưa vào chỉ tiêu chủ yếu trong nghị quyết, kế hoạch công tác. UBND huyện xây dựng kế hoạch công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn huyện đảm bảo về chất lượng và đa dạng hóa về ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tập trung vào nhóm nghề nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm và tạo việc làm mới. Trong 10 năm, huyện đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được 148 lớp/3.489 học viên, trong đó giai đoạn 2011-2015 đã tổ chức đào tạo 65 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.947 lao động tham gia học nghề, giai đoạn 2016-2020 đã tổ chức đào tạo 83 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 2.542 lao động tham gia học nghề. Người lao động tham gia các lớp dạy nghề 100% đều được hỗ trợ tiền học theo chính sách của Đề án 1956 với tổng kinh phí hỗ trợ lao động nông thôn học nghề (tính cả dạy nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp) được ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm GDNN - GDTX huyện và trang thiết bị để phục vụ công tác giáo dục và đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, bên cạnh đó các xã, thị trấn sử dụng Trung tâm văn hóa – thể thao học tập cộng đồng tại địa phương để phục vụ cho công tác dạy nghề cho nhân dân địa phương.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề, các công ty, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề cho đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ. Trong 10 năm qua đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề cho hơn 3.000 lượt thanh niên với số tiền khởi nghiệp là hơn 500 triệu đồng. Trong đó, có hơn 2.000 lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng vào các nghề như may công nghiệp, điện...và giải quyết được nhu cầu lao động có việc làm của địa phương.
Song song đó, nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện đời sống khu vực nông thôn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, mở 85 lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất như các lớp kỹ thuật trồng lúa, trồng rau sạch, kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng nấm,... Qua đó, nông dân đã thực hiện ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế như: Mô hình liên kết 4 Nhà thâm canh lúa theo hướng Viet Gap và cánh đồng lớn thực hiện trong năm 2017 được 1.737,6 ha/1.450 hộ tham gia, năng suất bình quân 6,5 -7,5 tấn /ha, nông dân lãi từ 15-17 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2-3 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa theo phương pháp SRI và áp dụng cơ giới hóa thực hiện ở vùng đê bao ấp Voi xã An Thạnh, số hộ tham gia được 50 hộ với diện tích trình diễn 50 ha, năng suất bình quân đạt 6,2 tấn /ha, tăng hơn ngoài mô hình 4,42 tạ/ha, lợi nhuận thu được so với ngoài mô hình tăng hơn 4 triệu đồng/ha.
Đồng chí Trần Văn Minh - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết “Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, trong thời gian tới Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt và triển khai các giải pháp của Chỉ thị và những văn bản liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia dạy nghề cho người lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn".
Có thể nói, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là quần chúng nhân dân về công tác đào tạo nghề. Từ chỗ người dân học theo phong trào, học chỉ để cho biết, đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất thu nhập cao hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho gia đình; góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn, góp phần về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Văn Bình
Ý kiến bạn đọc