Hình tượng Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trong một số tác phẩm văn học nghệ thuật

Thứ năm - 22/09/2022 21:00 1.402 0

  ​Trong hệ đề tài về Bác Hồ, giai đoạn ra đi tìm đường cứu nước của Người có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Các tác phẩm nghệ thuật về đề tài này đều hướng đến khắc họa tình yêu nước, nỗi bâng khuâng lưu luyến quê hương và người thân khi chia xa và hành trình tìm đường cứu nước...


Bức tranh sơn dầu "Người đi tìm hình của nước" của họa sĩ Quốc Thắng.

Ngày 5/6/1911 là ngày đi vào lịch sử của Việt Nam, ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày dân tộc Việt Nam vốn đang chìm trong bóng đêm nô lệ, tủi nhục đã thấy lấp ló ánh bình minh của độc lập, tự do, hạnh phúc hòa trong tiếng còi ngân vang của con tàu Amiral Latouche Tréville khi rời bến Nhà Rồng. Ý thức được tầm quan trọng của sự kiện lịch sử ấy đối với dân tộc, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã tập trung khắc họa hình ảnh Bác trong phút giây rời xa Tổ quốc, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà non sông đất nước trao cho mình.

Trong âm nhạc, bài hát nổi tiếng nhất về đề tài này là Thăm bến Nhà Rồng của nhạc sĩ Trần Hoàn. Từ điểm nhìn hiện tại, bài hát đưa người nghe ngược dòng lịch sử về với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác, qua đó bày tỏ tấm lòng biết ơn, ngưỡng mộ công lao của Bác đối với dân tộc và nỗi xót thương khôn nguôi của tác giả khi Bác “về với thế giới người hiền" mà chưa kịp trở lại thăm miền Nam, thăm lại bến Nhà Rồng như nguyện ước: Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây/ Với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu/ Bùi ngùi xót xa về những ngày qua/ Lúc cập thuyền ai đã tiễn người đi/ Hay chỉ một mình Bác khăn gói biệt li/ Bến Nhà Rồng xin ghi tạc dạ chẳng quên/ Vì nước quên mình Người dâng cả cuộc đời/ Nghe sóng vỗ rì rào mà trào dâng nước mắt/ Nhớ lời Người ước hẹn ngày thống nhất vô thăm/ Bến Nhà Rồng ôi trăm nhớ ngàn mong/ Mãi trông chờ mà chưa thấy Bác về... Với ca từ, giai điệu như được rút ra từ tâm can người nhạc sĩ, từ khi ra đời cho đến nay bài hát Thăm bến Nhà Rồng gây xúc động mạnh cho người nghe, luôn ở trong top đầu những ca khúc viết về Bác được yêu thích nhất.
Ở lĩnh vực hội họa, nổi bật lên bức tranh sơn dầu Người đi tìm hình của nước với kích thước 90cmX120cm của họa sĩ Quốc Thắng. Bức tranh có bố cục hài hòa, hình khối chắc chắn, khỏe mạnh. Tông màu vàng nâu chủ đạo như nhuốm màu thời gian đất nước những năm đầu thế kỉ XX và toát lên niềm hi vọng. Bằng tay nghề điêu luyện và nghiên cứu tư liệu kĩ lưỡng, họa sĩ Quốc Thắng đã làm bật lên được sự cương nghị, quyết tâm trên khuôn mặt người thanh niên Nguyễn Tất Thành đang chuẩn bị rời xa quê hương bắt đầu hành trình lịch sử.
Với loại hình nghệ thuật thứ bảy, không thể không nhắc đến Hẹn gặp lại Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, dựa trên kịch bản phim của nhà văn Sơn Tùng, nghệ sĩ Tiến Hợi thủ vai Nguyễn Tất Thành. Bộ phim ra mắt công chúng năm 1990, cho đến nay vẫn là một trong những tác phẩm kinh điển về Bác. Phim kể lại những năm tháng người thanh niên Nguyễn Tất Thành sống và học tập ở Huế, rồi vào Phan Thiết dạy học, rồi lên Sài Gòn và ra đi tìm đường cứu nước tại bến Nhà Rồng với lời hẹn ước cùng Út Vân - người con gái miền Nam xinh đẹp, dịu dàng: “Hẹn gặp lại Sài Gòn!"
Ở bộ môn sân khấu, có thể kể đến vở diễn Người cầm lái do nghệ sĩ Tuyết Minh dàn dựng trong quý 2 năm 2022. Qua âm nhạc và múa, các nghệ sĩ của Nhà hát Công an nhân dân đã làm nổi bật lên hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành yêu quê hương tha thiết, đầy nghị lực và niềm tin trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Loại hình nghệ thuật có nhiều tác phẩm khắc họa hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước nhất là văn học. Ở thể loại thơ, Người đi tìm hình của nước của nhà thơ Chế Lan Viên được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích. Chế Lan Viên đã khái quát hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước của Bác bằng những vần thơ xúc động, giàu hình ảnh, mang tính biểu tượng cao. Từ những câu thơ mở đầu miêu tả tâm trạng của Bác khi phải xa quê hương: Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương, cho đến hình ảnh kết bài thơ Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai, Chế Lan Viên một lần nữa khẳng định bằng nghệ thuật việc Bác ra đi tìm đường cứu nước, gặp gỡ chủ nghĩa Mác - Lênin là một lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử. Con đường của Bác cũng là con đường đi của cả dân tộc.


Cảnh trong vở diễn "Người cầm lái" do nghệ sĩ Tuyết Minh dàn dựng.

Cũng nằm trong mạch tư tưởng ấy, với đặc trưng của thể loại trường ca, trong Theo chân Bác, Tố Hữu đã khắc họa hình ảnh Bác ra đi tìm đường cứu nước một cách tỉ mỉ, cụ thể, từ những công việc phải làm thường nhật trên tàu: Cuộc đời sóng gió. Trong than bụi/ Tay đốt lò, lau chảo, thái rau, lúc vào viếng Lênin giữa Moscow lạnh giá: Tháng Giêng, Mạc-tư-khoa tuyết trắng/ Một người đi, quên rét buốt xương/ Từ xa đến... Lòng đau trĩu nặng/ Giữa dòng người im lặng trên đường, cho đến khi về nước: Ôi sáng xuân nay xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/ Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ... Qua sự khắc họa này, Tố Hữu đã làm rõ hành trình 30 năm bôn ba hải ngoại của Bác không chỉ là hành trình trưởng thành từ người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng cộng sản Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mà còn là hành trình trưởng thành của cả dân tộc, một sự trưởng thành mạnh mẽ như Thánh Gióng để chờ ngày Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Nguyễn Đình Thi).
Là người hết lòng tôn kính Bác, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (đã mất) dành gần trọn cả thập kỉ để viết nên thi phẩm Một người - thơ - tên gọi gồm 12668 câu thơ lục bát về Bác. Trong tác phẩm này, hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành được Nguyễn Thế Kỷ khắc họa đầy sáng tạo. Nhà thơ mạnh dạn miêu tả cảnh chia li giữa Nguyễn Tất Thành và Út Huệ. Một người nghẹn ngào, xúc động, tha thiết níu kéo; một người bình tĩnh, cương quyết, bản lĩnh nhưng cũng rất tình cảm: Xuân là hạnh phúc lứa đôi/ Đừng nên để hạ bồi hồi chờ thu/ Khác nào đôi cánh phù du/ Mưa không đèn sáng hạ thu cũng đành/ Mơ màng hạnh phúc bên anh/ Không anh hạnh phúc tất thành, ai cho?/ Tìm ra độc lập, tự do/ Mới mong hạnh phúc ấm no nhà nhà/ Nhà nhà hạnh phúc có ta/ Gần nhau da diết chia xa não nề/ Hiểm nguy trời biển trăm bề/ Vượt qua giông bão cố về tìm nhau.

Ở thể loại tiểu thuyết, trong tác phẩm kinh điển của đời mình - Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng cũng tập trung khắc họa những tình cảm lúc chia tay nơi bến Nhà Rồng giữa Út Huệ với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Sau khi bạn bè đưa tiễn đã dừng lại, chỉ còn một mình Út Huệ tiễn Nguyễn Tất Thành đến cuối con đường. Những lời đối thoại giữa hai người và hình ảnh sau cùng của Nguyễn Tất Thành khi bước xuống tàu (“Út Huệ ôm mặt chạy trở về. Anh Ba cầm nắm cơm trong tay. Âm thanh thành phố Sài Gòn đổ dồn xuống cửa sông như trùm lấy anh… Anh bước sải dài, vội vã xuống tàu. Gương mặt người con gái Sài Gòn chập chờn trước mắt anh như một búp sen quê hương. Và cả khuôn mặt Việt Nam choán lấy trái tim anh!") không khỏi làm bạn đọc nghẹn ngào xúc động trước tấm lòng mà hai người dành cho nhau.

Ở chiều kích khác, trong tiểu thuyết Cha và con, nhà văn Hồ Phương lại nhấn mạnh đến nỗi nhớ cha, đến niềm xót xa của Bác khi ra đi mà không được từ biệt cha lần cuối thông qua cuộc đối thoại giữa Người với bác Hai: “Bác ơi, hôm nay cháu ra đi không còn điều gì ân hận, chỉ riêng hiềm một nỗi là chưa được gặp cha cháu. Bây giờ cha cháu ở đâu, làm gì cháu không rõ nữa. Bác ơi, cháu nhớ cha cháu không biết là nhường nào." Mới đây, trong quý 2/2022, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cho ra mắt bạn đọc tập 1 Nợ nước non của tiểu thuyết Nước non vạn dặm viết về Bác. Trong tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đưa bạn đọc đến với những phút giây xao xuyến, ngổn ngang rất đời thường trong tâm tư của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi rời xa quê hương. Không chú tâm miêu tả nỗi nhớ cha hay những phút bịn rịn đầy lưu luyến với người em gái nhỏ Út Huệ như một số tác giả khác, Nguyễn Thế Kỷ hướng đến những xúc cảm trùng trùng đang trào lên trong Bác khi đi xa: “Lần đầu tiên trong đời, Văn Ba được ở trên một công trình kì vĩ đến như vậy... Đã bao lâu rồi nhỉ, kể từ ngày rời quê nhà ra đi. Làng Chùa, làng Sen, kinh thành Huế, trường Dục Thanh, bến cảng Sài Gòn, và nữa, gương mặt buồn phút biệt li của người con gái ấy... Tất cả những kí ức đẹp đẽ, xao động cựa thức trong tâm trí anh."

Có thể nói, trong hệ đề tài về Bác, giai đoạn ra đi tìm đường cứu nước có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Các tác phẩm nghệ thuật về đề tài này đều hướng đến ba nội dung chủ yếu: khắc họa tình yêu nước, nỗi bâng khuâng lưu luyến quê hương và người thân khi chia xa và hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Cùng với đó, các tác phẩm đều khẳng định hành trình ấy là lựa chọn lịch sử, đúng đắn của dân tộc. Với tình yêu của các thế hệ văn nghệ sĩ dành cho Bác, chúng ta tin tưởng rằng trong tương lai tiếp tục xuất hiện những tác phẩm hay về đề tài này./.

 

Tâm Anh (vannghequandoi.com.vn)

Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay7,261
  • Tháng hiện tại138,755
  • Tổng lượt truy cập7,936,663
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây