Ngày 11/8, Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã khai mạc trưng bày chuyên đề và hội thảo khoa học với chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” hướng tới kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Các đại biểu thăm quan trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".
* Tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, cách đây 75 năm, ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di sản lịch sử, văn hoá quốc gia đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, Khu Di tích đã làm tốt vai trò của mình, có nhiều hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, bảo quản một cách tốt nhất nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và tuyên truyền giới thiệu sâu rộng cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài về thăm Tổ quốc, quê hương và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam.
Cắt băng lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh- Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". |
Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ, thông qua những nội dung trưng bày trong chuyên đề, đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế có dịp tìm hiểu nhiều hơn về tầm vóc thời đại, ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám 1945; đặc biệt là vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, một nhà nước tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại.
Trưng bày chuyên đề giới thiệu gần 100 bức ảnh tư liệu, gồm 3 phần: Phần 1: Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập. Phần này giới thiệu tóm tắt quá trình hình thành con đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc. Sau khi trở thành thành viên Quốc tế Cộng sản, học tập lý luận về nguyên lý đấu tranh giai cấp và hoạt động cách mạng tại trường Đại học Phương Đông, Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng tại Quảng Châu và tổ chức Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau khi tìm được con đường giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc trở về Việt Nam trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng Lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và Thư kêu gọi Tổn khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các địa phương trong cả nước nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc đã giành thắng lợi vẻ vang. Phần 2: Hồ Chí Minh, Người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Phần này giới thiệu những hoạt động chuẩn bị cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam mới – Nhà nước của dân, do dân và vì dân và những hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước hàng vạn đồng bào Thủ đô trong ngày 2/9/1945. Sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ và nhân dân ta đã tiến hành hàng loạt các hoạt động nhằm khắc phục khó khăn trước nạn giặc đói, giặc dốt và để củng cố chính quyền non trẻ. Sau khi tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, Quốc hội được thành lập và bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được soạn thảo và thông qua. Phần 3: Một số hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh. Phần này giới thiệu một số hoạt động tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh hằng năm của nhân dân các địa phương trong cả nước và của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. |
* Hội thảo khoa học với chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhận được 38 bài tham luận tham gia, tập trung vào những nội dung chủ yếu như sau: Thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và quá trình chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công trên toàn quốc; Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Thứ ba, kinh nghiệm và những bài học lịch sử được Đảng ta vận dụng, phát huy trong thời đại ngày nay.
Các ý kiến, trình bày tại Hội thảo đã làm rõ những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám; Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Nhân dân thực hiện Cách mạng tháng Tám theo con đường cách mạng vô sản; Tầm vóc thời đại và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám; Những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập; Giá trị lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập; Hồ Chí Minh và con đường ngoại giao vì hòa bình; Sự vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập hiện nay; Ý nghĩa, giá trị tư tưởng về độc lập dân tộc, ngoại giao hòa bình... của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua một số điểm di tích, một số tài liệu, hiện vật đang trưng bày và phát huy tác dụng tại Khu Di tích; công tác tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa Cách mạng Tháng Tám tại Khu Di tích...
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". |
Khẳng định những quyết định đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Vân Anh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định mang tính chất lịch sử.
Đó là, quyết định sang phương Tây, đến với nhân loại cần lao đang đấu tranh ở nhiều châu lục và các quốc gia trên trái đất, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của Nguyễn tất Thành. Quyết định này mang tính bước ngoặt, mở đầu cho việc lựa chọn con đường đúng đắn của người thanh niên yêu nước.
Đó là, quyết định lựa chọn và đi theo con đường cách mạng vô sản, theo con đường của cách mạng Tháng Mười Nga, theo chủ nghĩa Mác- Lê nin. Đây là quyết định đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mặt nhận thức tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời mang tính bước ngoặt căn bản để đến thắng lợi đối với cách mạng Việt Nam.
Đó là, quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường cách mạng đúng đắn được xác định. Thông qua sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đánh dấu sự thắng lợi khuynh hướng cách mạng vô sản, chứng minh cho con đường đúng đắn mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Thực tế đã chứng minh, Đảng ra đời đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã đáp ứng yêu cầu khách quan của xã hội. Trong quá trình lịch sử, Đảng luôn được nhân dân tín nhiệm và tỏ rõ vai trò của một tổ chức lãnh đạo, tiên phong trong cuộc đấu tranh vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, đưa dân tộc từ địa vị nô lệ lên địa vị người làm chủ, góp phần vào sự tiến bộ chung của nhân loại.
Những quyết định đúng đắn đó đã làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, kết quả tất yếu của lịch sử. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
TS. Nguyễn Văn Chung, Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Văn Chung, Tạp chí Cộng sản cho rằng giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là cơ sở cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thực hiện quyền dân tộc tự quyết của Nguyễn Ái Quốc đã phản ánh đúng tính chất, đặc điểm chính trị, lịch sử, văn hóa Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc vào thực tiễn Việt Nam, khẳng định tầm nhìn vượt thời đại của Hồ Chí Minh, đập tan âm mưu xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc Đông Dương. Chủ trương đó đã phát huy cao nhất tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng mỗi nước, thắt chặt tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương, tạo cơ sở, tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Có thể khẳng định, trưng bày chuyên đề và hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh- người sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và đặc biệt là vai trò của Người trong sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thu Hằng
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo điện tử
Ý kiến bạn đọc