Ngày 10/7, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn quốc. Buổi lễ được phát động trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành trên cả nước, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Đây là Chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn.
Đại biểu tham dự Lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.
Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự lễ phát động có Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.
Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2020, Việt Nam đã có 4 đợt dịch với hơn 18.000 ca mắc Covid-19, hơn 100 ca tử vong. Từ ngày 24/7/2021 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 ca mắc tại 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đợt dịch lần thứ 4 này lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn rất nhiều. Dịch không chỉ xâm nhập vào các cơ sở y tế mà còn tấn công vào các khu công nghiệp lớn trong nước.
Nói về hành trình tiếp cận nguồn vaccine Covid-19, Bộ Y tế cho biết, cùng với các giải pháp phòng, chống dịch Covid – 19, tiêm chủng vaccine Covid – 19 cho toàn dân được xem là giải pháp quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam.
Nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế khẩn trương đàm phán với các đối tác trong nước và quốc tế, đa dạng hoá nguồn cung vaccine. Bộ Y tế cũng nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới với hơn 200 cuộc đàm phán đã diễn ra.
Đến nay Việt Nam sắp đạt được mục tiêu 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm cho 70% dân số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Nhật Bản viện trợ 2 triệu liều vaccine AstraZeneca; Mỹ viện trợ 2 triệu liều vắc xin Moderna; Trung Quốc viện trợ 500.000 liều vaccine vero cell của Sinopharm; Australia cam kết viện trợ cho Việt Nam 40 triệu AUD (hơn 31 triệu USD) để tiếp cận vaccine Covid-19…
Song song với nguồn tiếp cận vaccine trên thế giới, Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Hiện nay, Việt Nam có 2 đơn vị nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, trong đó có một loại vaccine cực kỳ đơn giản đang thử nghiệm ở giai đoạn 3.
Trước làn sóng dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 nhằm huy động toàn lực đóng góp của xã hội để chia sẻ với ngân sách Nhà nước, phục vụ cho việc mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine cho nhân dân. Tất cả các giải pháp được thực hiện đều nhằm nâng cao độ bao phủ để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Đến nay Việt Nam đã tiêm được 4 triệu liều vaccine cho các đối tượng được ưu tiên.
Phát biểu phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, PGS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc chia sẻ, chiến dịch tiêm chủng đợt này có nhiều điểm mới, trong đó có thêm các quy định trong công tác vận chuyển vaccine, hệ thống giám sát chất lượng đảm bảo cho quá trình tiêm chủng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, sổ sức khoẻ điện tử vào việc quản lý quá trình tiêm chủng cho người dân…
Với phương châm “Tiêm tới đâu an toàn đến đó, không bỏ phí liều vaccine nào" , Bộ Y tế mong muốn nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và kêu gọi toàn thể người dân Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước trong công tác triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, chiến thắng đại dịch này.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chiến dịch có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân, đưa đất nước quay trở lại cuộc sống bình thường, tiếp tục phát triển kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người dân không chủ quan, lơ là sau tiêm chủng, mà phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp, cống hiến của ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch; mong cán bộ, chiến sĩ các lực lượng giữ vững tinh thần, sẵn sàng ứng chiến với đại dịch.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ gửi lời cảm ơn đến các tổ chức quốc tế, các đối tác, kiều bào khắp nơi trên thế giới ủng hộ Việt Nam trong trang bị vaccine phòng Covid-19. Thủ tướng kêu gọi toàn dân đồng lòng, đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh.
Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021- 2022
Ngày 8/7/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021 – 2022 với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine trong năm 2021; trên 70% dân số được tiêm vaccine đến hết quý I.2022 và bảo đảm an toàn tiêm chủng khi sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Thời gian thực hiện chiến dịch từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Phạm vi triển khai của chiến dịch là trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố gồm: Các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch; các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Ngọc Bích
Nguồn BTNO
Ý kiến bạn đọc