Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định giải pháp “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo, thu hút nhân tài đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp…”.
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023), xác định: Xây dựng “Tây Ninh xanh”, trong đó yếu tố xanh vừa là mục tiêu vừa là phương tiện phát triển của tỉnh. Từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực, hạ tầng và chính sách để thực hiện quá trình thu hút vốn và công nghệ, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển tỉnh nhanh và bền vững về mọi mặt, cần chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực, trong đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
* Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao ý thức trách nhiệm, huy động sự tham gia tích cực, có hiệu quả đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU, ngày 31/12/2014 về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 46-CTr/TU, ngày 31/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Nhằm thu hút đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các địa phương ban hành nhiều văn bản để công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao và về vai trò của giáo dục nghề nghiệp được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phương pháp triển khai phù hợp với từng đối tượng, qua đó nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
* Tổ chức sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Tỉnh xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá của tỉnh, được chú trọng tổ chức thực hiện, xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, tổ chức sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: loại hình công lập 11 cơ sở; loại hình tư thục 06 cơ sở (giảm 05 cơ sở so với năm 2014). Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 07/6/2024 của UBND tỉnh ban hành Đề án thành lập Trường Cao đẳng Y tế Tây Ninh trên cơ sở nâng cấp từ Trường trung cấp Y tế Tây Ninh.
Tỉnh tổ chức lại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị, thành phố thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và bàn giao các trung tâm cho UBND các huyện, thị, thành phố quản lý; sáp nhập Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh vào Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh; thí điểm sát nhập 03 trung tâm GDNN-GDTX Hòa Thành, Châu Thành, thành phố Tây Ninh thành Cụm Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các trường phổ thông thực hiện tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp để các em xác định đúng trình độ, năng lực, sở trường, điều kiện kinh tế gia đình và khả năng xin được việc làm sau khi ra trường.
* Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Các trường trung cấp, cao đẳng nghề hàng năm thực hiện việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chương trình, đào tạo phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; soạn giảng theo hướng lồng ghép và tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức gắn với điều kiện địa phương. Tăng cường giáo dục thể chất quốc phòng, an ninh, dạy nghề và định hướng nghề nghiệp, chú trọng việc dạy ngoại ngữ, tin học đảm bảo thực hiện đủ nội dung chương trình theo quy định.
Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh thực tập tại Công ty (Nguồn: Website Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh)
Nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tuyển sinh, đào tạo, đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, qua đó giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp đạt hiệu quả cao.
Sinh viên trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh thực tập tại Công ty (Nguồn: Website Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh)
Các ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang triển khai đào tạo 06 ngành, nghề trình độ cao đẳng; 33 ngành, nghề trình độ trung cấp; 70 nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
* Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đạt chuẩn theo quy định
Đội ngũ cán bộ quản lý GDNN các cấp được bố trí, sắp xếp cơ bản đảm bảo đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổng số cán bộ quản lý tính đến tháng 12/2023 có 112 người, trong đó: trên đại học 49 người, đại học 61 người, cao đẳng 02 người. Tổng số nhà giáo GDNN toàn tỉnh có 456 người, trong đó: trình độ chuyên môn trên đại học 103 người; đại học 208 người; cao đẳng 39 người; trung cấp 106 người. Đối với các trường trung cấp, cao đẳng nghề, cán bộ, giáo viên, giảng viên đạt trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 40% trên tổng số cán bộ, giáo viên nhà trường. Hầu hết giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý thuộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm.
* Chính sách đầu tư cho công tác đào tạo nghề hàng năm được tăng cường
Tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề trọng điểm, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, từ chương trình mục tiêu quốc gia.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng dạy nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013 -2015, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch về đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá và thể dục thể thao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2013-2015; Kế hoạch về tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2014 đến nay, thu hút được 06 doanh nghiệp đầu tư thành lập các cơ sở đào tạo nghề.
Tỉnh tập trung nguồn lực cùng với ngân sách trung ương thông qua nguồn vốn Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề, đã đầu tư 91,6 tỷ đồng cho các trường trọng điểm và 9 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện để xây mới, sửa chữa nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng – kỹ thuật khá đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
* Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong thời gian tới
Dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế như:
Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa hiệu quả, do số lượng trường trung cấp, cao đẳng nghề quá ít, trong khi quy mô đào tạo, năng lực đào tạo của các trường này còn hạn chế nhiều mặt. Cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế sản xuất của các doanh nghiệp.
Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thời gian qua thực hiện còn chậm, chưa huy động được các nguồn lực và tiềm năng của xã hội, chủ yếu từ nguồn thu học phí do người học đóng góp và ngân sách cấp. Việc liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, do doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông là chủ yếu.
Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; Chương trình hành động số 46-CTr/TU, ngày 31/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Kế hoạch số 173-KH/TU, ngày 04/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn với Quy hoạch chung của tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cùng ngân sách Trung ương hỗ trợ xây dựng Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí trường chất lượng cao; thành lập Trường Cao đẳng Y tế Tây Ninh trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Y tế trực thuộc Sở Y tế; chỉ đạo các trường công lập mở rộng, đăng ký xây dựng các ngành nghề trọng điểm quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ.
Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp ký kết hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng, phối hợp với doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo sát với thực tế; tổ chức cho người học đến thực tập, thực hành trên dây chuyền sản xuất, bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm để HSSV sau khi tốt nghiệp có thể tự lập và thích ứng ngay với công nghệ mới, đảm bảo phù hợp trình độ, ngành nghề đào tạo. Thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực; tích hợp kiến thức, kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học đảm bảo đầu ra đáp ứng được việc làm và nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
Tạo môi trường thuận lợi thu hút các tổ chức, cá nhân có tiềm lực kinh tế đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhất là các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao; khuyến khích các trường tư thục, các cơ sở đào tạo ngoài công lập đang hoạt động trên địa bàn tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong tình hình mới.
Thanh Thanh
Tác giả: tttthao
Ý kiến bạn đọc