Bài 1: CHỐNG THAM NHŨNG TRÊN THẾ GIỚI
1. Định nghĩa, sự hình thành và công cuộc phòng chống tham nhũng
Định nghĩa
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Theo Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) định nghĩa tham nhũng là lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tham nhũng là sự lạm dụng chức vụ công để tư lợi. Theo Từ điển Luật học Việt Nam năm 2006: Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Mặc dù có nhiều định nghĩa khác nhau về tham nhũng, song đều thống nhất với 3 đặc trưng: Tham nhũng là hành vi của người có chức, có quyền; có sự lợi dụng, lạm dụng quyền hành được giao; nhằm vụ lợi.
Sự hình thành và quá trình phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng là một phạm trù lịch sử. Nó xuất hiện ngay khi có sự phân chia giai cấp và sự hình thành Nhà nước và xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Nó gây nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia và là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói nghèo cho người dân. Tuỳ theo từng giai đoạn lịch sử và từng quốc gia mà có các biện pháp trừng phạt khác nhau. Từ thời Hy Lạp cổ đại các quan chức cũng đã tham ô công quỹ và nhận đút lót của dân. Theo luật thời điểm đó của Thành phố Athena quy định: Các quan chức tham nhũng sẽ bị tước quyền công dân và quyền tham gia vào các tổ chức của thành phố, bang. Đây là hình phạt được coi là nỗi ô nhục nhất của của người Hy lạp cổ đại. Còn tại thành phố Byzantim các quan chức tham nhũng thì bị thiến hoặc làm cho mù mắt. Ngoài ra những người nhận hối lộ thường bị đi đầy và tịch thu tài sản. Tại Cộng hòa La Mã, những quan tòa mà nhận hối lộ thì bị xử tử. Ở nước ta cách đây hàng nghìn năm, từ thời Lý (1009-1225) đã có tình trạng các quan lại tham ô, nhũng nhiễu người dân. Triều đình đã có những quy định việc xử phạt quan lại tham ô, tham nhũng. Theo luật thời điểm đó, các quan nha, thư lại thu thuế của dân, ngoài mười phần phải nộp vào kho triều đình, thì được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu". Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Các khố ty thu thuế “lụa", nếu “ăn lụa" của dân thì cứ mỗi thước lụa phạt 100 trượng. Vua Lý Thái Tông năm 1042, đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên - Hình thư (năm 1042). Đến Triều đại Lê sơ, vua Lê Thánh Tông, năm 1483 đã ban hành Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức). Luật Hồng Đức coi tội tham nhũng là một tội danh nguy hiểm, làm người dân oán thán và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà vua. Bộ luật Hồng Đức có 722 điều trong đó có tới 40 điều liên quan đến chống tham nhũng. Tại Điều 1, chương VI chế đã ghi: Các quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, người đứng đầu chịu phạt 60 trượng và “biếm" 2 tự (hạ chức 2 cấp), hoặc bãi chức. Thừa 2 người thì xử tội “đồ" (phạt lao dịch khổ sai). Điều 42, chương VI chế ghi rõ: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm" hoặc bãi chức;… từ 50 quan trở lên xử “tử". Đến thời vua Gia Long (1762-1820) đã ban hành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long) năm 1815. Bộ luật gồm 22 quyển, chia thành 7 chương với 398 điều trong đó có 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu. Đến thời vua Minh Mạng (1820-1840), bất kể ai, giữ chức vụ gì, kể cả thân cận nhà vua khi tham nhũng đều bị xử nghiêm khắc. Năm 1831, vua Minh Mạng ban hành Luật Hồi ty, quy định khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, không được bố trí những người cùng quê nội và quê ngoại, bao gồm cả quê mẹ, quê vợ.
Như vậy nguồn gốc của tham nhũng là kết quả sự kết hợp của quyền lực nhà nước với lòng tham của con người. Là sự lạm dụng, tha hóa quyền lực của người có chức, có quyền. Tham nhũng là hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo, xã hội mất dân chủ, không minh bạch và đạo đức xã hội xuống cấp.
2. Tình trạng tham nhũng hiện nay trên thế giới
Tham nhũng là vấn nạn trên toàn thế giới, xảy ra trên mọi lĩnh vực. Tham nhũng gây cản trở lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và cũng là nguyên nhân gây ra nghèo đói với nhiều dân tộc. Tình trạng tham nhũng ngày càng có xu hướng phát triển sâu rộng hơn, tinh vi hơn và khó ngăn chặn hơn. Chính vì thế, tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mê-hi-cô để thông qua Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc (LHQ). Công ước này được đánh giá là bước tiến lớn của cộng đồng quốc tế trong hợp tác chống tham nhũng. Hiện nay, đã có hơn 110 nước, trong đó có Việt Nam, đã ký Công ước chống tham nhũng. LHQ thống nhất lấy ngày 9-12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng. Để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước trên thế giới. Năm 1995, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI ). Chỉ số được dùng để đánh giá mức độ tham nhũng của các nước hằng năm. Theo số liệu công bố ngày 18-10-2005 của CPI, có tới 2/3 trong số 159 nước thăm dò có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Đây là tình trạng báo động về tham nhũng trên thế giới. Cũng theo báo cáo này, các nước Bắc Âu được đánh giá là ít tham nhũng nhất. Trong khi đó các nước nghèo, tham nhũng nặng nhất. Chỉ số CPI năm 2020, các nước ít tham nhũng nhất vẫn là Đan Mạch và Niu Di-lân với 88 điểm, Phần Lan, Xin-ga-po, Thụy Điển, Thụy Sỹ với 85 điểm, Úc, Hồng Kông 77 điểm; Trung Quốc 42 điểm, Ấn Độ 40 điểm. Đứng cuối bảng là các nước Nam Xu-đăng và Xô-ma-li với 12 điểm, Xy-ri 14 điểm, Y-ê-men và Vê-nê-xu-ê-la 15 điểm. Việt Nam đạt 36/100 điểm đứng thứ 104/180 nước. Đánh giá theo khu vực thì Tây Âu và Liên minh châu Âu có điểm trung bình cao nhất với 66 điểm; châu Á - Thái Bình dương là 45 điểm; Đông Âu và Trung Á là 36 điểm; Khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra là thấp nhất với 32 điểm. Theo nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), đã chỉ ra rằng hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hằng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng, tương đương với 1/2 khoản nợ nước ngoài của lục địa này. Theo Viện Công tố Liên bang Nga, lượng tiền tham nhũng hàng năm của Nga lên tới 240 tỷ USD chiếm hơn 15% GDP của Nga. Chính vì vậy các nước trên thế giới đều ra sức phòng, chống tham nhũng. Mỹ và Tây Âu nhấn mạnh việc hoàn thiện xây dựng thể chế và kiểm soát quyền chéo giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cộng hòa Liên bang Đức vừa chú trọng xây dựng pháp luật về công chức, công vụ, vừa chú trọng xây dựng đạo đức đội ngũ công chức. Nga ngoài việc thành lập Hội đồng chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống, do Thủ tướng đứng đầu, còn kiên quyết trừng trị kẻ tham nhũng bằng “bàn tay sắt" như Tổng thống V. Pu-tin từng tuyên bố: Đánh mạnh vào tham nhũng là việc làm rất quan trọng của Nga trên con đường phát triển. Mỗi nước đều có cách chống tham nhũng khác nhau. Chúng ta hãy nghiên cứu mô hình 2 nước gần ta chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả.
Xin-ga-po tiêu biểu cho các quốc gia chống tham nhũng hiệu quả với khẩu hiệu 3 không là: Không dám, không thể và không cần tham nhũng. Theo phân loại của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, năm 2020 Xin-ga-po đạt 85/100 điểm đứng vào hàng thứ 3/180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xin-ga-po đạt được hiệu quả đó là nhờ:
Ý chí mạnh mẽ và quyết liệt của của cơ quan quyền lực Nhà nước mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Lý Quang Diệu, một người am hiểu thời cuộc và mẫu mực về trong sạch. Trong suốt thời gian làm Thủ tướng, ông cùng các thành viên Chính phủ luôn xây dựng một Chính phủ trong sạch, liêm chính và quyết liệt chống tham nhũng. Khi nhậm chức ông cùng các thành viên Chính phủ đều mặc áo sơ mi trắng và quần trắng, biểu tượng của sự thanh khiết và lương thiện. Ý chí này của ông cũng được truyền lại cho các đời Tổng thống sau như Goh Chok Tong và Lý Hiển Long.
Có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh: Bộ luật Phòng, chống tham nhũng của Xin-ga-po được ban hành năm 1960, sau đó vào các năm 1963, 1966, 1981, 1989 đều được sửa đổi cho phù hợp hơn. Đến năm 1999, Xin-ga-po ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng mới, nhằm khắc phục những khiếm khuyết của các luật trước đây, Luật quy định chặt chẽ và cụ thể trên mọi lĩnh vực, về tổ chức bộ máy, thẩm quyền của Cục trưởng và cán bộ Cục Điều tra chống tham nhũng, các mức hình phạt... Điều đáng chú ý là Luật quy định, người giữ chức vụ càng cao, khi tham nhũng thì bị xử phạt càng nặng. Đồng thời hằng năm, cán bộ từ Trung ương tới cơ sở đều phải kê khai tài sản của bản thân và của vợ (chồng) bao gồm: Thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà đất. Bất kỳ sự giàu có nào không giải trình rõ ràng về nguồn gốc, không tương xứng với thu nhập sẽ bị coi là nhận hối lộ và có thể bị tịch thu. Đây chính là nhân tố làm cho cán bộ, công chức không thể tham nhũng.
Có bộ máy chuyên trách phòng, chống tham nhũng quyền lực và hiệu quả đó là Cục Điều tra chống tham nhũng (CPIB), là cơ quan thuộc Văn phòng Thủ tướng và trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Giám đốc CPIB do Tổng thống bổ nhiệm. CPIB thực sự là cơ quan có quyền lực, nó hoạt động gần như độc lập với các cơ quan nhà nước khác và là cơ quan duy nhất được giao quyền điều tra mọi biểu hiện về tham nhũng trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, pháp lý, và tất cả các cơ quan công quyền, khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Có thẩm quyền điều tra bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào nếu bị cho là có hành vi tham nhũng. Thủ tướng nếu bị tình nghi tham nhũng, CPIB xin lệnh phê chuẩn của Tổng thống để điều tra, mà không ai, không cơ quan nào có quyền can thiệp. Nhân viên điều tra của CPIB có quyền khám xét, thu giữ tất cả những tài liệu, tài sản, kể cả việc bắt giữ bất kỳ ai, nếu bị nghi là có liên quan đến tham nhũng mà không cần lệnh khám xét và lệnh bắt giữ của Viện Công tố (mục 17, mục 22 Luật Chống tham nhũng). Chính quyền lực to lớn cùng đội ngũ công chức có đạo đức, trách nhiệm, nên CPIB hoạt động rất hiệu quả, hầu hết các vụ tham nhũng đều bị đưa ra xét xử.
Xử lý nghiêm minh và kịp thời: Thủ tướng Lý Quang Diệu nổi tiếng là người thiết diện vô tư, quyết không khoan dung đối với mọi hành vi phạm pháp, tham nhũng, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì. Chẳng hạn ông Teh Cheang Wan, người có thành tích lớn trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng nên nước Cộng hòa Xin-ga-po và là người có mối quan hệ cá nhân rất thân thiết với Lý Quang Diệu, Bộ trưởng Phát triển quốc gia năm 1986. Khi ông này nhận hối lộ vẫn bị trừng trị theo đúng pháp luật. Đây là một trong những câu chuyện còn được nhắc lại về quyết tâm chống tham nhũng của nhà lãnh đạo Xin-ga-po. Ngoài ra còn nhiều nhân vật cấp cao khác cũng bị đưa ra xét xử và kết tội tham nhũng như: Bộ trưởng Phát triển đất nước Tan Kia Gan bị điều tra năm 1966 và bị cách toàn bộ chức vụ. Bộ trưởng Nhà nước Wee Toon Boon bị điều tra năm 1975 và bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam. Đây là yếu tố làm công chức không dám tham nhũng.
Trả lương cao. Thủ tướng Lý Quang Diệu quan niệm trả lương thấp cho cán bộ là nguy hiểm, dù đó là cảnh sát hay nhân viên hải quan. Vì như vậy họ phải bằng mọi cách “kiếm" thêm để nuôi gia đình. Cũng xuất phát từ nhận thức “Xin-ga-po chỉ giữ được sự trong sạch và lương thiện khi trả một mức lương tương xứng với những gì mà một người có khả năng và liêm chính có thể được hưởng khi đang điều hành một công việc. Từ quan điểm này Xin-ga-po xây dựng chính sách tiền lương trong Chính phủ là: Cán bộ phải sống và sống tốt bằng chính tiền lương mà sức lao động của mình làm ra và được công khai, minh bạch. Hiện nay, Thủ tướng Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo có mức lương cao nhất thế giới và gấp 4 lần lương của người đứng thứ 2 là Tổng thống Mỹ. Chính điều này họ đã thu hút được nhiều nhân tài và có đạo đức vào làm tại bộ máy Nhà nước, đồng thời làm cho công chức Xin-ga-po không cần tham nhũng. Đặc biệt, Xin-ga-po còn áp dụng một giải pháp lập Quỹ dự phòng tiền lương: hằng tháng, lương công chức được trích một phần theo tỷ lệ quy định để gửi vào Quỹ dự phòng Trung ương, mức khởi đầu là 5%, tăng dần theo tỷ lệ tăng lương, chức vụ càng cao thì tỷ lệ càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm. Khi nghỉ hưu thì được lấy về, nhưng nếu ai tham nhũng thì số tiền này bị trưng thu.
Trung Quốc phòng, chống tham nhũng: Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền. Trung Quốc là nước quyết tâm phòng, chống tham nhũng và thu được kết quả quan trọng. Đặc biệt, từ năm 2012, sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, với chiến dịch “Đả hổ, diệt ruồi". Theo ông Tiêu Bồi, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKLTW), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia (UBGSQG) Trung Quốc, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28-6-2021, đã khẳng định, tham nhũng có sức tàn phá và hủy hoại nặng nề nhất đối với nền tảng cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cũng cho biết từ tháng 12-2012 đến tháng 5-2021 cơ quan UBKTKLTW và UBGSQG Trung Quốc đã điều tra 392 cán bộ lãnh đạo từ cấp bộ, tỉnh trở lên, 22.000 cán bộ cấp vụ, cục, hơn 170.000 cán bộ cấp quận, huyện và 616.000 cán bộ cấp xã, phường. Chỉ tính riêng năm 2016, Trung Quốc đã xử hơn 120 quan chức cấp cao, trong đó có hơn chục quan chức quân đội, một số giám đốc điều hành cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước và 5 nhà lãnh đạo quốc gia. Trung Quốc đạt được kết quả như vậy nhờ:
Có cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng quyền lực và hiệu quả: Từ sau năm 2012 Trung Quốc thiết lập 2 cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng mang tính độc lập cao với các cơ quan nhà nước và cấp ủy địa phương đó là UBKTKLTW và UBGSNN. UBKTKLTW do Đảng Cộng sản lập ra có hệ thống ngành dọc 4 cấp, thực hiện theo Điều lệ Đảng, có trách nhiệm điều tra, xử lý các tội tham nhũng trong các cơ quan của Đảng và đảng viên. UBGSNN do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu ra, thành lập hệ thống ngành dọc 4 cấp, thực hiện theo Hiến pháp và Luật Giám sát, nhưng bản chất vẫn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị. Ủy ban này có quyền điều tra các tội phạm tham nhũng như: Xét hỏi, tạm giữ, phong tỏa tài sản, khám xét người và nơi ở của người bị tạm giữ (theo Điều 20 đến Điều 35 của Luật Giám sát). Tuy là hai cơ quan khác nhau, nhưng hoạt động có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả dưới sự chỉ đạo chung của BCH Trung ương và Bộ Chính trị.
Răn đe và trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng. Ngoài việc giáo dục bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Trung Quốc đồng thời trừng trị nghiêm khắc những kẻ tham nhũng, thực hiện không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi", nhiều “hổ lớn" như các bí thư tỉnh ủy, ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT) đều phải vào tù. Điển hình là vụ án Trần Hi Đồng, UVBCT Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh vào tù năm 1995; Trần Lương Vũ, nguyên UVBCT Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Thành ủy Thượng Hải; Bạc Hy Lai, UVBCT, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; Chu Vĩnh Khang, nguyên Ban Thường vụ BCT Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương… Ngoài ra Trung Quốc còn tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng với các chiến dịch “săn cáo" và “lưới trời". Trong 2 năm gần đây Trung Quốc đã bắt giữ, đưa về nước 1.032 nghi phạm tham nhũng lẩn trốn tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 134 cựu quan chức thuộc cơ quan nhà nước, thu hồi về hơn 2,4 tỷ nhân dân tệ. Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ quyền lực, làm cho người có quyền, có chức không thể lợi dụng, lạm dụng quyền lực, thực hiện các hành vi tham nhũng. Theo ông Tập Cận Bình, phải chống lợi ích nhóm và công khai, minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức Nhà nước. Kiểm tra việc trung thực trong kê khai tài sản là yếu tố quan trọng.
(Còn tiếp...)
Lê Xuân Lịch
Nguyên Phó Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương
Nguồn Tạp chí điện tử Xây dựng Đảng
Ý kiến bạn đọc