Với mong muốn phát huy những mặt thuận lợi, khắc phục những hạn chế trong quản trị hành chính của cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, ngay sau khi các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, ICT INDEX tỉnh Tây Ninh năm 2019 được công bố, UBND tỉnh Tây Ninh đã họp bàn và đề ra giải pháp nỗ lực cải thiện các chỉ số trên.
Chỉ số PCI
Chỉ số PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố. Đây là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Chỉ số PCI năm 2019 của tỉnh Tây Ninh xếp hạng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2,51 điểm và xuống hạng 1 bậc so với năm 2018 (xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và xếp trên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xếp vào nhóm Tốt gồm 11 tỉnh, thành phố.
Về thứ hạng, mặc dù năm 2019, PCI Tây Ninh có giảm xuống một bậc, tuy nhiên nếu so sánh với mức điểm của Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng thứ 14 thì không có chênh lệch lớn. Về điểm số, PCI Tây Ninh năm 2019 có kết quả tốt và triển vọng hơn năm 2018. Mặc dù năm 2018 xếp hạng tăng 5 bậc (từ 19/63 lên 14/63 tỉnh, thành phố) nhưng điểm số của PCI năm 2018 chỉ tăng lên 0,72 điểm so với năm 2017. Còn điểm số của năm 2019 tăng lên 2,51 điểm so với năm 2018. Điều này, chứng tỏ các ngành, các cấp của tỉnh đã có sự thay đổi cố gắng cải thiện rõ nét điểm số của các tiêu chí thành phần trong Chỉ số PCI.
Với nhận định đó, sau khi phân tích những một hạn chế ở từng chỉ số, nhất là các chỉ số chưa được đánh giá tốt, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương để khắc phục những hạn chế nhằm cải thiện thứ hạng xếp hạng và điểm số của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, cần tập trung vào việc khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm năm 2019 như: Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, cần khắc phục những nội dung chi tiết bên trong các tiêu chí đang bị đánh giá thấp như: Rút ngắn thực chất thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp; Số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công khai minh bạch thông tin mời thầu; Cung cấp đầy đủ, nhanh chóng các thông tin cho doanh nghiệp khi có yêu cầu; Tăng cường số hội chợ thương mại do tỉnh tổ chức; Nâng cao hiệu quả đào tạo lao động và hỗ trợ các dịch vụ cần thiết cho doanh nghiệp hoạt động…
Ảnh: Giang Phương
Chỉ số PAPI
Chỉ số PAPI do Cơ quan thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố hàng năm. Đây là Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, phản ánh tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh Tây Ninh xếp hạng thứ 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 1,2 điểm và xuống hạng 11 bậc so với năm 2018, xếp vào nhóm Trung bình thấp gồm 15 tỉnh, thành phố.
Những hạn chế trong thực hiện các tiêu chí thành phần về Chỉ số PAPI năm 2019 của tỉnh đã được chỉ ra. Đó là 2/4 nội dung thuộc tiêu chí “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở", gồm Tri thức công dân (mức độ hiểu biết và kiến thức của người dân về một số chính sách, về những vị trí cán bộ được dân bầu, về nhiệm kỳ của mỗi vị trí này) và Đóng góp tự nguyện (mức độ đóng góp tài chính của người dân cho các dự án cộng đồng và cách thức giám sát việc thực hiện các dự án đó) đang được ít điểm và bị đánh giá ở mức thấp nhất.
Trong tiêu chí Công khai, minh bạch, nội dung tiếp cận thông tin được đánh giá ở mức thấp nhất. Và còn có các nội dung của các tiêu chí Trách nhiệm giải trình với người dân; tiêu chí Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; tiêu chí Thủ tục hành chính công, tiêu chí Cung ứng dịch vụ công, tiêu chí Quản trị môi trường…còn có nội dung bị đánh giá thấp.
Do đó, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương để khắc phục những hạn chế, cải thiện thứ hạng xếp hạng và điểm số của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, tập trung vào việc khắc phục các tiêu chí bị giảm điểm năm 2019 như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Trách nhiệm giải trình với người dân, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Quản trị môi trường… Bên cạnh đó, cần khắc phục những nội dung chi tiết bên trong các tiêu chí đang bị đánh giá thấp như: Tri thức công dân; Chất lượng bầu cử; Đóng góp tự nguyện; Tiếp cận thông tin; Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; Tiếp cận dịch vụ tư pháp; Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền; Quyết tâm chống tham nhũng; Dịch vụ y tế công lập; Cơ sở hạ tầng căn bản; Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương…
Chỉ số PAR INDEX VÀ SIPAS
Đây là Chỉ số Cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của tỉnh Tây Ninh đạt 80,05 điểm, xếp thứ hạng 44/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 5,24 điểm và tăng 4 bậc so với năm 2018 (năm 2018 đạt 74,81 điểm, xếp thứ 48/63 tỉnh, thành). So với 7 tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ thì Tây Ninh ở vị trí khá thấp, chỉ hơn Bình Thuận 3 bậc (Bình Thuận xếp thứ 47).
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) không sắp xếp thứ hạng của các tỉnh, thành phố mà chỉ đánh giá kết quả của các tỉnh theo mục tiêu Chương trình tổng thể Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020. Đó là đến năm 2020 đạt được mục tiêu “Sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước đạt trên 80%". Năm 2019, tỉnh Tây Ninh đạt 83,45% và tăng 2,21% so với năm 2018 (năm 2018 đạt 81,24%). Tuy vậy, vẫn thấp hơn giá trị trung vị của cả nước (84,45%).
Một số hạn chế trong thực hiện hai chỉ số này đã được chỉ ra. Có thể kể đến đó là, chưa thực hiện đạt 100% Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2019 của tỉnh; Việc xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra; Chưa thực hiện đầy đủ, đúng hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Việc xử lý văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra chưa kịp thời; Người dân, tổ chức chưa đánh giá cao nội dung này qua điều tra xã hội học; Bố trí chưa đúng vị trí việc làm theo Đề án đã được phê duyệt; Tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thấp; Việc tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích còn ít…
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các hạn chế, giải pháp cải thiện thứ hạng và điểm số chỉ số PAR INDEX và SIPAS đã được UBND tỉnh xác định với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành tỉnh. Tập trung khắc phục việc giải quyết trễ hạn các hồ sơ của người dân, tổ chức; thực hiện đúng quy trình, thao tác trên phần mềm một cửa điện tử của tỉnh. Trả lời đúng, đủ, kịp thời các nội dung phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức; đồng thời phải cập nhật, công khai nội dung đã trả lời lên Trang thông tin điện tử của sở ngành hoặc Cổng Thông tin điện tử của tỉnh để cá nhân, tổ chức biết. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội để thường xuyên tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách hành chính; khảo sát quá trình thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đối với các sở, ngành đầu mối tham mưu UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính mà có chỉ số thành phần bị đánh giá thấp (dưới 80%) thì chủ học tập kinh nghiệm ở các địa phương có kết quả xếp hạng và điểm số cao để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm áp dụng vào thực tiễn của Tây Ninh trong thời gian tới. Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý góp ý đối với các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức kịp thời, nhanh chóng và dứt điểm.
Chỉ số ICT INDEX
Chỉ số này do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam thực hiện. Đến nay là năm thứ 14 thực hiện việc đánh giá chỉ số này. Chỉ số ICT INDEX là Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam. Năm 2019, ICT INDEX Tây Ninh đạt 0,4582 điểm, xếp hạng 25/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm 2018.
Ảnh: Báo Tây Ninh Online
Qua đánh giá cho thấy một số hạn chế, như công tác triển khai an toàn thông tin và an toàn dữ liệu Tây Ninh đạt chỉ số ở mức trung bình. Kinh phí cho đầu tư về Hạ tầng kỹ thuật trong cơ quan nhà nước còn thấp. Chưa có nhiều trường đào tạo về công nghệ thông tin. Chưa đảm bảo số lượng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Việc tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu…
Các giải pháp đã được đưa ra để cải thiện từng chỉ số chi tiết của chỉ số ICT INDEX. Cụ thể, về hạ tầng kỹ thuật, UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao hạ tầng viễn thông để nâng cao số lượng người dân sử dụng Internet, đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 90% dân có internet. Phát triển nâng cao tỷ lệ số thuê bao băng rộng cố định đạt tối thiểu 45%.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mở rộng băng thông Internet tối thiểu đạt 35.000 Kbps. Triển khai an toàn thông tin và an toàn dữ liệu, tập huấn về an toàn thông tin tối thiểu 90% công chức viên chức trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh bổ sung, nâng cao số lượng cán bộ chuyên trách an toàn thông tin (hiện tại 205 nhân sự) tối thiểu đạt 500 nhân sự.
Về hạ tầng nhân lực: UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu tham mưu tăng thêm các trường chuyên đào tạo về công nghệ thông tin (hiện có 93 trường có giảng dạy về tin học). Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bổ sung cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tối thiểu đạt 10% (hiện chỉ có 3,8% trên tổng số công chức viên chức). Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh bổ sung cán bộ chuyên trách an toàn thông tin đạt tối thiểu đạt 7%; thường xuyên tập huấn về an toàn thông tin cho cán bộ công chức viên chức đảm bảo đạt tối thiểu 90%.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Thông tin và truyền thông tham mưu UBND tỉnh triển khai các ứng dụng cơ bản tại các cơ quan nhà nước đảm bảo tối thiểu 90% hoạt động điều phải được ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng mỗi cơ quan, đơn vị đều phải có cơ sở dữ liệu chuyển ngành; tối thiểu 90% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh phải có cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Triển khai ứng dụng các phần mềm mã nguồn mở.
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh tham mưu UBND tỉnh nâng cao số lượng thủ tục hành chính đạt mức độ 3, 4 tối thiểu đạt 50% thủ tục hành chính trên tổng số thủ tục hành chính được UBND tỉnh ban hành. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh các nội dung nâng cao số lượng hồ sơ nộp và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến tối thiểu đạt 30% hồ sơ trên tổng số lượng hồ sơ.
Từ việc đề ra các giải pháp cho thấy quyết tâm của UBND tỉnh trong cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, ICT INDEX tỉnh Tây Ninh năm 2020 và những năm tiếp theo. Qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực từ chính quyền nhằm mục tiêu được người dân và doanh nghiệp hài lòng ghi nhận cùng chung tay phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.
TRƯƠNG VĂN HÙNG
Ý kiến bạn đọc