Nhìn lại 10 năm triển khai, thực hiện việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

Thứ năm - 27/07/2023 00:00 617 0

Sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh" và Quyết định số 1429/QĐ-UBND, ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, việc đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm dân chủ, thống nhất được quan tâm thực hiện; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hiện có 19 cơ sở (13 cơ sở công lập; 06 cơ sở ngoài công lập). Trong đó Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy hoạch đầu tư 03 nghề trọng điểm quốc gia (Cắt gọt kim loại, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô). Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghề, lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được bố trí, sắp xếp đảm bảo đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý là 112 người, trong đó: trên đại học 49; đại học 61; cao đẳng 02. Số lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 456 người, trong đó: trình độ chuyên môn trên đại học 103 người; đại học 208 người; cao đẳng 39 người; trung cấp 106 người. Cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo qua từng giai đoạn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm cơ bản đã đạt chuẩn theo quy định. Số lượng nhà giáo ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong trong tình hình hiện nay.


Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh trao bằng tốt nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2023 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục nghề nghiệp theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, trong đó, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên thông qua tuần lễ công dân, sinh hoạt chính trị đầu khóa; phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong học đường, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản vị thành niên, bình đẳng giới.

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, rèn luyện đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục nghề nghiệp quy định khối lượng kiến thức tối thiểu học lý thuyết chiếm tỷ lệ 30%, thực hành chiếm tỷ lệ 70%.

Đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hình thức học tập, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, tổ chức thực tập, thực hành tại doanh nghiệp, Hội thi kỹ năng nghề cho học sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đảm bảo trung thực, khách quan được triển khai thực hiện thường xuyên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như chú trọng kỹ năng thực hành, đa dạng các hình thức đánh giá như tự luận, trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, vấn đáp. Các trường đang từng bước xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đánh giá kết quả môn học. Công tác kiểm tra đánh giá đi vào thực chất, tổ chức nghiêm túc. Hằng năm có 5/5 trường trung cấp, cao đẳng nghề tự kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo đúng quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Các ngành, nghề đào tạo của trường Cao đẳng Nghề, trường trung cấp nghề luôn bám sát thực tiễn, chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát, cập nhật bổ sung kiến thức mới cho phù hợp với tình hình phát triển và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Kết quả tuyển sinh, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp từ năm 2013 đến năm 2023: tuyển được 120.333 người, trong đó cao đẳng 2.646, trung cấp 15.710, sơ cấp 60.373, lao động nông thôn 41.604; số người tốt nghiệp là 102.381 người (cao đẳng 1.220, trung cấp 9.156, sơ cấp 50.401, lao động nông thôn 41.604). Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, trường Cao đẳng Nghề, trường trung cấp nghề luôn chủ động phối hợp với các trường đại học trong nước thực hiện liên kết đào tạo theo hình thức học tập trung, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học hoặc đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học. Kết quả đã tuyển sinh được 3.788 người, trong đó đã tốt nghiệp 2.666 người (cao đẳng 768, đại học 1.898). Bên cạnh đó, trường Cao đẳng Nghề, trường trung cấp nghề hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, hợp tác xã đưa học sinh, sinh viên đến tham quan trải nghiệm thực tế, được các kỹ sư trực tiếp hướng dẫn thực hành ngay tại doanh nghiệp trong thời gian 2 đến 3 tháng, qua đó giúp các em tiếp cận với máy móc công nghệ hiện đại để khi ra trường các em có thể thực hành hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn cung cấp thông tin về kết quả học tập của học sinh, sinh viên cho doanh nghiệp, ngược lại, doanh nghiệp cung cấp thông tin về điều kiện tuyển dụng, vị trí việc làm và mức lương, phụ cấp để học sinh, sinh viên biết. Hàng năm, nhà trường tổ chức lễ phát bằng tốt nghiệp có mời đại diện các doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh đến dự, tổ chức ngày hội việc làm ngay tại trường để tư vấn việc làm, giúp các em tìm hiểu kỹ và quyết định việc làm phù hợp với ngành nghề và năng lực của mình. Có thể nói chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao, học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 6 tháng đều tìm được việc làm phù hợp, tỷ lệ có việc làm đối với các ngành đào tạo trình độ cao đẳng đạt 100%, các ngành, nghề trình độ trung cấp đạt từ 90% trở lên.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện công tác “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2025" trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức được 04 lần Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh (cơ sở 2), Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh huyện Gò Dầu, với số lượng khoảng 3.000 học sinh cuối cấp khối THCS và THPT trên địa bàn tỉnh tham dự.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn vào học nghề. Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo dục hướng nghiệp về kiến thức, kỹ năng tư vấn, phương pháp tư vấn hiện đại với sự trợ giúp của công nghệ thông tin; tạo mục Thông tin Hướng nghiệp - Phân luồng trên Cổng thông tin điện tử Sở tại địa chỉ: tayninh.edu.vn. Các phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các trường THCS xây dựng kế hoạch phân luồng và thực hiện tốt giờ dạy giáo dục hướng nghiệp cho học sinh. Nhằm tạo điều kiện cho học sinh phổ thông vừa học nghề, vừa học văn hóa, hiện nay có 8/9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện (trừ thị xã Trảng Bàng) đã hợp tác liên kết đào tạo với  Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, Trường Trung cấp Á Châu tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề trình độ trung cấp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động giáo dục nghề nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm sau: Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh ít và yếu; cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo chưa phù hợp, chưa đa dạng; cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo còn khó khăn, trang thiết bị dạy thực hành còn thiếu và lạc hậu. Chính sách xã hội hóa còn nhiều bất cập, chưa thu hút được các doanh nghiệp có tâm huyết, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này. Đội ngũ nhà giáo vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế, một vài cơ sở ngoài công lập chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, năng lực đào tạo còn nhiều hạn chế. Công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra.

 Nguyên nhân hạn chế trên là do, Tây Ninh là tỉnh biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài 240 km, với 20 xã biên giới, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, việc học nghề chưa được quan tâm, chú trọng. Nhận thức của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp tuy có thay đổi nhưng vẫn còn định kiến, nhiều phụ huynh chưa muốn cho con tham gia học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS và THPT mà muốn con học lên trình độ cao hơn. Mặt khác các trường trung cấp, cao đẳng nghề của tỉnh quá ít, ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phong phú, trong khi các trung giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện chưa thực hiện đúng chức năng dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Cơ chế, chính sách chưa thông thoáng, hấp dẫn để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trong thời gian tới, tỉnh tập trung vào một số nội dung chủ yếu cụ thể sau: Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 25/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 39- CTr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 3891/KH-UBND, ngày 10/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; Kế hoạch số 1003/KH-UBND, ngày 07/4/2023 của UBND tỉnh triển khai, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp nhằm thu hút các doanh nghiệp có tâm huyết, có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Thanh Thanh

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm11
  • Hôm nay1,179
  • Tháng hiện tại180,057
  • Tổng lượt truy cập7,977,965
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây