Khơi dậy sức mạnh con người Việt Nam qua các giá trị văn hoá Bài 1: Khát vọng ngàn đời

Thứ sáu - 11/02/2022 23:00 166 0

  ​Khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Khát vọng đó được phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.


Múa rồng nhang tại Lễ vía Đức Chí Tôn đạo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh. Ảnh: Lê Tấn Phát

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách xã hội, đảm bảo an sinh. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam".

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn hoá bình luận rằng nhiệm vụ nêu trên có vị trí đặc biệt quan trọng trong tổng thể các nhiệm vụ khác để thực hiện thành công mục tiêu Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ này hoàn toàn nhất quán với quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII khi khẳng định khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vấn đề đặt ra là làm gì, làm như thế nào để đạt được mục tiêu trên?

Khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Khát vọng đó được phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, khát vọng xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, cường thịnh được thể hiện trong quốc hiệu của các triều đại khác nhau, từ Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam.

Khát vọng đó được thể hiện trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà" của thời Lý (thế kỷ XI), được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc; hay trong áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi thời Hậu Lê ở thế kỷ XV được coi là Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai.

Đặc biệt hơn cả phải kể đến bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khát vọng đó luôn luôn được nuôi dưỡng, vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, khát vọng đó chỉ phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã có đường lối chính trị đúng đắn, khoa học, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc từ hai đế quốc là thực dân Pháp và phát xít Nhật, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhà nước này thực hiện sứ mệnh lớn lao, tổ chức toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau khi thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, Nhân dân ta từng bước vượt qua thời kỳ khủng hoảng về kinh tế - xã hội, tháo gỡ sự bao vây cấm vận, thống nhất về thể chế và thiết chế chính trị, kinh tế văn hoá, xã hội trên phạm vi cả nước, tạo những tiền đề quan trọng để bước vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đường lối đổi mới đất nước của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII là  những định hướng chung và cụ thể cho khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân ta. Như vậy, có thể nói khát vọng chung của dân tộc Việt Nam hiện nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh", đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam.

Khát vọng đó không phải là mong muốn chủ quan, duy ý chí, mà phải dựa trên cơ sở hiện thực khách quan, dựa trên những tiền đề nhất định để trở thành hiện thực. V. I. Lênin đã nói rằng ước mơ là một phẩm chất vĩ đại của con người, tạo động lực và niềm tin để con người hành động hướng tới tương lai.

Nếu không có ước mơ, khát vọng, hoài bão, con người không thể tiến lên phía trước. Mỗi dân tộc cũng cần có khát vọng, có niềm tin và mơ ước về tương lai để định hướng, định hình cho quá trình phấn đấu đi lên của mình.

Những khát vọng, mong muốn đó có cội nguồn từ lịch sử và bằng bài học kinh nghiệm được rút ra từ lịch sử. Vì vậy, trong quá trình khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh đến phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh của con người Việt Nam ở đây bao gồm cả những giá trị văn hoá truyền thống và giá trị văn hoá hiện đại mà tiêu biểu là giá trị dân tộc, dân chủ khoa học và nhân văn.

Trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất Đảng ta đã xác định mục tiêu chung của nền văn hoá này là: “Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh".

Để khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng phẩm chất, nhân cách của con người: “Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách của con người và trong xây dựng văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo". Yêu nước không chỉ là tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam với quê hương, đất nước mà còn là lý trí, đạo lý, pháp lý của dân tộc.

Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất".

Việt Đông

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm62
  • Hôm nay7,474
  • Tháng hiện tại147,389
  • Tổng lượt truy cập7,945,297
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây