ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thuý: Lãng phí nguy hại như “căn bệnh”

Thứ sáu - 03/06/2022 23:00 119 0

  ​Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 02/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Phát biểu thảo luận về báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng thuận với đánh giá của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách. 

Theo đại biểu, báo cáo được chuẩn bị công phu, chi tiết, thể hiện trách nhiệm, sự nghiêm túc của Chính phủ đối với công tác này. Hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đều ban hành các chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên một số lĩnh vực và các bộ, ngành địa phương đã ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện.

Nhờ vậy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị; nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hoàn thành vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là tinh giản 10% biên chế.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý, báo cáo vẫn còn tập trung nhiều vào tiết kiệm nhưng có nội dung phản ánh chưa đúng bản chất “tiết kiệm". Chẳng hạn như: kết quả tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu là 10% bắt buộc, số tiền tiết kiệm từ đấu thầu, đấu giá thì chưa thể yên tâm và coi là tiết kiệm khi đi liền với đó là chất lượng thực hiện thấp, thời gian kéo dài, chi phí tăng lên.

Điều quan trọng là sử dụng nguồn tiết kiệm như thế nào, hiệu quả ra sao thì chưa được đánh giá. Báo cáo cũng chưa đi sâu phân tích lãng phí, chưa làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua. Theo đại biểu, nhận diện vấn đề này cho thấy, công tác phòng chống lãng phí ở một số ngành, địa phương chưa chuyển biến rõ nét; việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết; còn có tình trạng buông lỏng quản lý; quan liêu, tham nhũng và đây là tác nhân của lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lãng phí: “Tham ô là trộm cướp, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại hơn tham ô", theo đại biểu, thời gian qua, tình trạng lãng phí diễn ra trong thời gian dài, nhiều nơi và được nói rất nhiều nhưng chuyển biến chậm, dường như không giảm mà còn biểu hiện phức tạp, tăng về tính chất và quy mô.


Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong đó, tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo, hiệu quả đầu tư thấp, thu hồi tài sản tham nhũng chậm, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu... nhất là tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước... tất cả đều là lãng phí, làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của Nhân dân.

Theo đại biểu, Đảng, Nhà nước đã rất quyết liệt, nghiêm trị “tội tham ô", “tội tham nhũng" nhưng chưa từng xử lý “tội lãng phí". Trong khi lãng phí nguy hại như “căn bệnh", thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng mà nếu thống kê đầy đủ rất khó để đo đếm hết được.

Về nhiệm vụ và giải pháp trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới mà báo cáo đề cập, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cơ bản đồng tình và theo đại biểu đó cũng là những giải pháp mà nhiều năm đã đề ra, tuy nhiên, đại biểu cho rằng vấn đề chỉ còn là sự quyết liệt và quyết tâm.

Đại biểu đề nghị cần phải quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức- nhất là người đứng đầu.

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát Nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể các cấp giám sát hiệu quả. Đồng thời, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Và theo đại biểu, có tuyên dương, khen thưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cũng phải chú trọng trách nhiệm giải trình, xử lý, làm gương để răn đe, ngăn chặn, bởi suy cho cùng, phần lớn bức xúc của nhiều người dân hiện nay cũng bắt nguồn từ lãng phí.

Tố Tuấn – Phạm Tâm

Nguồn BTNO

  Ý kiến bạn đọc

thong bao noi bo
Phóng sự ảnh
Biển đảo Việt Nam
Chính trị
Banner Tủ sách
chuyển đổi số
Giải báo chí
Bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay6,503
  • Tháng hiện tại146,418
  • Tổng lượt truy cập7,944,326
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây